Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 – Cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

14/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Với bản chất nhân văn sâu sắc, hòa giải ở cơ sở từ bao đời nay đã trở thành một hiện tượng xã hội - pháp luật - văn hóa thấm sâu trong đời sống người dân Việt Nam và thực sự trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư thông qua hòa giải ở cơ sở, chế định hòa giải ở cơ sở luôn được phát triển, hoàn thiện qua mỗi thời kỳ lịch sử.

1. Tổng quan về pháp luật hòa giải ở cơ sở
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, các vị vua rất chú trọng đến việc đem lại cho người dân cuộc sống yên ổn bằng con đường hòa giải ở cơ sở, tránh việc kiện tụng, gây mất trật tự, an toàn xã hội, như trong Chỉ dụ của vua Lê Huyền Tông đã ghi: “Riêng các xã trưởng, nếu trong làng có sự tranh tụng, phải vô tư phân xét và hòa giải. Không được xui nguyên giục bị rồi lại tự nắm lấy việc phân xử”[1].

Trước năm 1945, dưới chế độ phong kiến rồi đến chế độ thực dân nửa phong kiến, do tính tự quản của làng xã khá cao, việc hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân chủ yếu do các hương ước, khoán ước của mỗi làng quy định. Điều 73 bản hương ước của làng Quỳnh Đôi (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có ghi: Trong làng cốt lấy sự không kiện nhau là quý, phàm ai có sự gì uất ức phải trình làng để làng xét xử, không được đưa nhau đi kiện ở quan. Nếu làng xét xử không được rõ ràng công bằng thì mới đưa nhau đến quan xử, quan xử y như làng xử thì làng phạt lợn 1 con giá là 3 quan. Nếu không trình làng đi kiện ở quan, làng cũng phạt như vậy[2].

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật như Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức tòa án và các ngạch thẩm phản, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 về ấn định thẩm quyền các tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong tòa án, trong đó Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ hòa giải tất cả các việc về dân sự, thương mại và phạt vi cảnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp mới phát sinh, giảm tải các vụ việc phải giải quyết ở các cấp tòa án, ngày 26/02/1964, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 02/TC về việc xây dựng tổ hòa giải và kiện toàn tổ tư pháp xã, khu phố. Có thể coi đây là văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của tổ hòa giải - một tổ chức xã hội thể hiện tính chất tự quản của nhân dân, giúp đỡ các bên giải quyết mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp mà không phải xét xử.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ngày 06/01/1982, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/TT hướng dẫn xây dựng và kiện toàn hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là tư pháp cấp huyện và cấp xã. Các cơ quan này trực tiếp hướng dẫn, quản lý hoạt động hòa giải. Từ năm 1982, các tổ hòa giải được thành lập ở các thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... trong phạm vi cả nước. Hoạt động hòa giải ở cơ sở từng bước được củng cố và phát triển.

Chế định hòa giải ở cơ sở chính thức được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận tại Điều 127 như sau: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Tiếp đến, Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám khóa VII (tháng 01/1995) đã khẳng định: “Coi trọng vai trò hỏa giải của chính quyền kết hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở”; Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã chỉ rõ: “Mở rộng các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật những công việc mang tính xã hội hóa, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị (như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh, phong trào vệ sinh - môi trường, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo…)”.

Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải và thực trạng pháp luật về lĩnh vực này, ngày 25/12/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh). Ngày 18/10/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 160). Đây là hai văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Sau hơn 13 năm thi hành Pháp lệnh và Nghị định số 160 cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, mô hình tổ hòa giải cơ sở thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra và mang lại hiệu quả cao, qua đó duy trì được sự ổn định của các quan hệ xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tổ chức Tổ hòa giải cả nước đã được kiện toàn và tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng so với trước khi có Pháp lệnh[3]. Hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở từ trung ương đến địa phương đã được quan tâm chỉ đạo và dần đi vào nề nếp. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải ngày một nâng cao[4], góp phần giảm thiểu số vụ, việc phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Tòa án, tiết kiệm được công sức, tiền bạc của nhân dân. Những tấm gương điển hình xuất sắc, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công chung của công tác hòa giải ở cơ sở xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần nâng cao ý nghĩa thiết thực, cao đẹp và gắn bó mật thiết với cuộc sống của công tác hòa giải ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Pháp lệnh và Nghị định số 160 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là hệ thống văn bản quy định về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa thống nhất, đồng bộ, đầy đủ và không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ ở đối với đời sống xã hội, từ thực tiễn tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải, thực trạng pháp luật về lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thời gian này cho thấy, việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở - một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là cần thiết. Do vậy, ngày 20/6/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở kỳ họp thứ 5[5].

2. Thực trạng 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở 6 năm qua cho thấy, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, cụ thể như sau:

2.1. Kết quả đạt được
a) Hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện tốt cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển

(i) Xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác hoà giải ở cơ sở
Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành/phối hợp ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chức cho hoạt động hòa giải đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả.

Ở địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản để triển khai thực hiện Luật, 58/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định cụ thể việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, tạo nên một hệ thống tương đối đồng bộ các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(ii) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động hòa giải
Thực hiện chức năng tham mưu giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về công tác hòa giải trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2611/QĐ-BTP ngày 04/11/2013 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên... Định kỳ hàng năm, Bộ đều ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này trên phạm vi toàn quốc.

Căn cứ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

(iii) Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên
Bên cạnh việc hoàn thành và đưa vào sử dụng trên toàn quốc cuốn Sổ tay pháp luật hòa giải ở cơ sở, Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng cho hòa giải viên, Bộ Tư pháp đã trực tiếp tổ chức nhiều khóa tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ công chức được giao tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cấp tỉnh, tạo nguồn cán bộ tập huấn về công tác này cho các địa phương. Ở địa phương, các tỉnh, thành phố đều biên soạn, hỗ trợ tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở dưới hình thức sách, đề cương, tờ gấp. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên được cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng và thực hiện hằng năm. Từ năm 2014 đến hết năm 2019, cả nước đã có 2.446.747 lượt hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Phương pháp bồi dưỡng được nghiên cứu và có nhiều điểm đổi mới theo hình thức trao đổi, thảo luận 2 chiều giữa giảng viên và hòa giải viên theo hướng cầm tay chỉ việc thông qua giải quyết các tình huống giả định, qua đó các hòa giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hòa giải các vụ việc cụ thể.

Một trong các hình thức nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên đạt hiệu quả cao là việc tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi. Năm 2016, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, tạo tiếng vang, sức lan tỏa lớn, thu hút được 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức Hội thi này thu hút sự tham gia đông đảo của các hòa giải viên trên địa bàn.

(iv) Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng
Ở Trung ương, kể từ khi Luật hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, định kỳ hằng năm, Bộ Tư pháp đều chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Luật[6]. Thành viên các đoàn kiểm tra bao gồm đại diện cơ quan Tư pháp, Mặt trận và tùy từng trường hợp, địa bàn được kiểm tra cụ thể có thể mời thêm đại diện của các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia. Việc kiểm tra được Bộ Tư pháp tiến hành đến tận cấp cơ sở, bảo đảm khách quan, nghiêm túc[7].

Tại địa phương, trên cơ sở Kế hoạch công tác kiểm tra thực hiện Luật hàng năm của trung ương, cơ quan Tư pháp địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) đều chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương mình. 

Bên cạnh việc kiểm tra, hoạt động sơ kết, tổng kết về công tác hòa giải ở cơ sở đã được các địa phương chủ động lồng ghép trong hoạt động sơ kết, tổng kết công tác tư pháp hằng năm và khen thưởng, biểu dương các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.

 (v) Kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở đã được các địa phương quan tâm. Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật, hầu hết các địa phương đã bố trí kinh phí chi thù lao hòa giải viên; kinh phí tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, biên soạn và phát tài liệu cho tổ hòa giải, hòa giải viên... theo quy định, tuy chưa đều khắp các xã trên địa bàn. Nhiều địa phương đã bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác này như: tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Đồng Nai... Đối với các địa phương chưa ban hành văn bản quy định về kinh phí chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở thì việc chi hỗ trợ cho hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP.

b) Đội ngũ công chức tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, Tổ hoà giải ở cơ sở được kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng
Hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về hòa giải cho công chức của Sở Tư pháp và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Ở địa phương, Sở Tư pháp và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể (Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi) cũng củng cố, kiện toàn; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho công chức tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

Tính đến hết tháng 12/2019, trên toàn quốc có 96.896 tổ hòa giải với 601.312 hòa giải viên. So với trước khi có Luật Hòa giải ở cơ sở (tháng 12/2011), số lượng tổ hòa giải giảm đi 24.355 tổ, số hòa giải viên giảm 27.218 người, nhưng chất lượng hòa giải viên ngày được nâng cao. Trong tổng số 601.312 hòa giải viên cả nước có 21.540 hòa giải viên có trình độ chuyên môn về Luật, chiếm tỷ lệ 3,6%. Các tổ hòa giải cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên và có ít nhất 01 hòa giải viên nữ; ở vùng nông thôn có thêm Chi hội nông dân. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Tổ hoà giải có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải tại địa phương đều xuất phát từ tình hình cụ thể, phù hợp với đặc điểm dân cư, nghề nghiệp, tâm lý, tập quán…, thể hiện sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo của các địa phương nhằm thực hiện tốt pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

c) Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao chất lượng, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ hòa giải trong đời sống xã hội
Với việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp, xích mích trong nhân dân, công tác hòa giải cơ sở đã góp phần vào việc giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hoạt động hòa giải thực sự đã trở thành một biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế hiệu quả bên cạnh tố tụng trọng tài và Tòa án trong một hệ thống giải quyết tranh chấp và tư pháp hoàn chỉnh, thân thiện.

Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính từ năm 2014 đến năm 2019, hòa giải viên cả nước đã hòa giải thành 707.945/875.312 vụ việc tiến hành hòa giải (đạt tỷ lệ 80,9%). Năm 2019, một số tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao trên 90% như tỉnh An Giang (92,8%), tỉnh Long An (92,2%), tỉnh Khánh Hòa (92,2), tỉnh Sóc Trăng (91,2%) và tỉnh Vĩnh Long (91,8%).

Thực hiện thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tính đến ngày 30/9/2018, trong tổng số 08 vụ việc đưa ra Tòa án yêu cầu công nhận có 03 vụ việc được Tòa án công nhận, 01 vụ việc không công nhận, 04 vụ việc đình chỉ xét đơn yêu cầu.

d) Các mô hình điểm có hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm xây dựng
Để thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, một số địa phương đã tổ chức làm điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở, từ đó nhân rộng trong phạm vi tỉnh, thành phố mình, như: tỉnh Lạng Sơn xây dựng mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến”; thành phố Hà Nội xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”; mô hình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chứng kiến hoặc ký cam kết việc thỏa thuận hòa giải thành là đúng pháp luật (tỉnh Quảng Bình)...

2.2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Thứ nhất, đội ngũ hòa giải viên cả nước tuy đông về số lượng nhưng nhiều người thiếu kỹ năng hòa giải, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thường lúng túng trong quá trình hòa giải các vụ việc phức tạp.

Thứ hai, chưa huy động được đông đảo luật sư, luật gia, những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao trên các lĩnh vực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; chất lượng hòa giải ở một số địa phương chưa cao; chưa gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động hòa giải ở cơ sở với hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác.

Thứ ba, kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở thì phạm vi thực hiện chưa đều khắp. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện còn chưa được chú trọng.

3. Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn
Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về hoà giải ở cơ sở để đáp ứng yêu của công tác hoà giải ở cơ sở trong tình hình mới.

Thứ hai, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo  sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền, ở đó công tác hòa giải ở cơ sở có nhiều thuận lợi.

Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về chế độ, hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở.

Thứ tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Tăng cường hiệu quả hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan tư pháp trong việc đề xuất, tham mưu giúp Chính phủ, Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương có những đặc thù riêng, điều kiện, phong tục tập quán, việc nghiên cứu, tổ chức làm điểm các mô hình hòa giải phù hợp sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.

Thứ năm, thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN, phát huy vai trò “nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ sáu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 162/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019 - 2023, trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải và thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

Thứ bảy, chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
 

[1] Toan Ánh (1992), Trích theo “Nếp cũ làng xóm Việt Nam”, Nxb. Thành phố Hố Chí Minh, tr.228.
[2]Trần Từ, Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.
[3] Năm 1997, cả nước có 85.000 tổ hòa giải với 400.000 hòa giải viên. Đến tháng 12/2011, cả nước có 121.251 tổ hòa giải với 628.530 hòa giải viên.
[4] Tính từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành đến tháng 12/2011, tổng số vụ việc nhận hòa giải là 4.358.662 vụ, trong đó hòa giải thành 3.488.144 vụ, đạt tỷ lệ 80%.
[5] Luật gồm 5 chương, 33 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.
[6] Kế hoạch số 267/KH-BTP ngày 27/01/2015; Kế hoạch số 1082/KH-BTP ngày  06/4/2016; Kế hoạch số 1455/KH-BTP ngày 03/5/2017; Kế hoạch số 1452/KH-BTP ngày 02/5/2018.
[7] Các tỉnh đã được Trung ương  kiểm tra gồm:  Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Phú Yên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hải Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Nam.

Xem thêm »