Một số suy nghĩ về việc thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng tại Việt Nam

19/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1. Đặt vấn đề
Hoà giải là quá trình các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập. Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Theo thông lệ quốc tế, căn cứ vào tổ chức đứng ra thực hiện việc hòa giải, hòa giải được chia thành hai hình thức. Hình thức thứ nhất là hòa giải công (public mediation). Hình thức thứ hai là hòa giải tư (private mediation). Hiện nay, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định về hòa giải và tổ chức hòa giải nhằm giúp các tổ chức, cá nhân trong xã hội giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các mô hình trung tâm hòa giải nổi tiếng trên thế giới như Trung tâm hòa giải CIETAC (Trung Quốc), Trung tâm hòa giải Delhi (Ấn Độ), Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm hòa giải Indonesia, Trung tâm hòa giải cộng đồng Singapore, Trung tâm hòa giải Thái Lan[1]… đều đã và đang thể hiện những ưu điểm rõ rệt về thời gian, chi phí và hiệu quả với tỷ lệ hòa giải thành cao, góp phần giải quyết tận gốc các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng, nhằm ổn định trật tự xã hội.

Có thể nói, Trung tâm hòa giải cộng đồng là một mô hình tổ chức hòa giải mới, được thành lập để cung cấp những dịch vụ hòa giải cho các bên có mâu thuẫn hoặc tranh chấp xảy ra.

Ở nước ta, hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo mô hình Tổ hòa giải ở cơ trên cơ sở Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 (Điều 12). Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, đa số có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Thành phần tổ hòa giải thường có Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ, đại diện Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…).  Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đến nay thì Tổ hòa giải cơ sở là mô hình phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, các hòa giải viên của Tổ là những người sống cùng thôn, xóm, có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu, chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hiện nay thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 về việc sáp nhập sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố đã được các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, việc sắp nhập đã tạo ra sự gia tăng về địa bàn, dân cư, số lượng vụ việc cần hòa giải cho mỗi thôn, tổ dân phố; sự hợp nhất giữa các thôn, xóm cũng có những khác biệt nhất định về tập quán sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư, trong khi nhân sự các tổ hòa giải không tăng, nên đã gây ra một số khó khăn nhất định cho công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, nhiều mối quan hệ xã hội trở nên đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp, do đó tính chất các mâu thuẫn, tranh chấp, vụ việc vi phạm pháp luật cần được hòa giải ở cơ sở cũng trở lên khó nắm bắt, kiểm soát. Trước tình hình đó, tính ổn định và hiệu quả của mô hình của Tổ hòa giải ở cơ sở không tránh khỏi có những tác động ảnh hưởng, để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục gặt hái được những thành công, trên cơ sở tham khảo pháp luật các nước, thiết nghĩ cần có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở bên cạnh mô hình Tổ hòa giải cơ sở nhằm tạo ra nhiều hình thức giải quyết cho người dân lựa chọn khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.

2. Tham khảo mô hình Trung tâm hòa giải cộng đồng của Singapore
Qua nghiên cứu và tham khảo pháp luật một số nước về hòa giải, có thể thấy rằng, Singapore là quốc gia không có nhiều quy định pháp luật về hòa giải, hoạt động hòa giải chủ yếu được thể hiện trong các chính sách của Nhà nước và giao cho các cơ quan, tổ chức thực thi, giám sát. Tuy nhiên, quốc gia này có một đạo luật về hòa giải rất đáng được chú ý – đó là Đạo luật về các Trung tâm Hòa giải Cộng đồng (1998). Đạo luật khuyến khích việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải, bởi đây là truyền thống và đạo lý tốt đẹp cần phải được bảo tồn của người Á Đông. Theo Đạo luật, các Trung tâm Hòa giải cộng đồng của Singapore, gọi tắt là CMC sẽ được thành lập tại địa điểm mà Bộ trưởng luật pháp[2] quyết định, thông qua một lệnh được đăng trên Công báo và hoạt động theo quy định của Đạo luật để cung cấp các dịch vụ hòa giải.

Xuất phát từ gia đình và xóm giềng là các tế bào của xã hội thành thị, những cãi vã, mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, xóm làng, cộng đồng dân cư cũng như các cách hành xử đi ngược lại quy chuẩn của xã hội sẽ tạo ra sự căng thẳng và bất hòa. Vì thế, phương châm hoạt động của Trung tâm Hòa giải cộng đồng Singapore là hướng tới việc “xây dựng cầu nối hòa thuận”.

Bộ trưởng sẽ chỉ định một Giám đốc cho mỗi Trung tâm hòa giải cộng đồng, người này sẽ phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ hòa giải cũng như về hoạt động và việc quản lý Trung tâm. Một người có thể làm Giám đốc của một hoặc nhiều Trung tâm hòa giải cộng đồng.

 Các hoạt động của Trung tâm có thể được tiến hành tại trụ sở chính do Bộ trưởng quyết định hoặc tại bất cứ địa điểm nào khác mà Giám đốc Trung tâm có thể phê duyệt tùy từng thời điểm.

Về phạm vi hoạt động, các Trung tâm Hòa giải cộng đồng Singapore tiến hành cung cấp các dịch vụ hòa giải để giải quyết các tranh chấp gia đình (trừ các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình), tranh chấp trong cộng đồng, xã hội, nhưng loại trừ những vi phạm pháp luật có thể dẫn đến giam giữ.

Cũng theo Đạo luật quy định, hòa giải viên của Trung tâm sẽ do Bộ trưởng bổ nhiệm theo đề xuất của Giám đốc một Trung tâm hòa giải cộng đồng. Hòa giải viên được bổ nhiệm sẽ được trả tiền thù lao theo Quyết định của Bộ trưởng và phải tuân thủ bất cứ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp nào mà Bộ trưởng có thể phê duyệt. Hiện nay, Singapore có khoảng 130 hòa giải viên tình nguyện. Các hòa giải viên là các thành viên được tôn trọng của xã hội từ mọi tầng lớp khác nhau, các nhóm tuổi, các tộc người và các nghề nghiệp khác nhau. Họ chủ yếu là những người đứng đầu cộng đồng dân cư, được lựa chọn làm công tác hòa giải bởi cam kết và nhiệt huyết công tác cho công tác xã hội. Tất cả các hòa giải viên đều được đào tạo cơ bản về hòa giải và trang bị kinh nghiệm thực tế trong thời gian thực tập.

Về thủ tục hòa giải, các bên tranh chấp có thể đăng ký tự nguyện hòa giải trực tiếp tại Trung tâm hòa giải cộng đồng hoặc đăng ký trực tuyến. Thủ tục bắt đầu và tiến hành hòa giải tại Trung tâm sẽ do Giám đốc Trung tâm quyết định. Các phiên hòa giải sẽ được tiến hành nhanh nhất có thể và ít mang tính hình thức cũng như tính quan trọng nhất có thể. Hòa giải có thể bị chấm dứt bởi Giám đốc Trung tâm hòa giải cộng đồng hoặc hòa giải viên vào bất cứ lúc nào. Các quy định về chứng cứ không áp dụng với các phiên hòa giải. Phiên hòa giải sẽ được tiến hành kín, nhưng nếu được phép của Giám đốc hoặc của các bên, những người không phải là các bên tham gia phiên hòa giải có thể có mặt hoặc tham gia vào phiên hòa giải đó. Những điều khoản của bất cứ thỏa thuận hòa giải nào, nếu hòa giải viên thấy phù hợp, sẽ được ghi thành văn bản và ký bởi các bên hoặc đại diện các bên tại phiên hòa giải. Một phiên hòa giải vẫn có thể bắt đầu hoặc tiếp tục được thực hiện nếu tranh chấp đó bị đưa ra xét xử tại tòa án, các cơ quan tài phán hay cơ quan khác và cũng không phụ thuộc vào việc tranh chấp đó có đang là chủ thể của một vụ kiện khác.

Như vậy, từ những quy định của pháp luật Singapore về mô hình Trung tâm hòa giải cộng đồng, nhận thấy rằng, đây là mô hình được tổ chức rất linh hoạt và mềm dẻo, quy trình và thủ tục hòa giải cũng đơn giản, giúp nhanh chóng về thời gian và tiết kiệm chi phí nếu việc hòa giải có hiệu quả. Về hình thức, Trung tâm hòa giải cộng đồng sẽ hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả hơn các mô hình hòa giải thông thường do xuất phát từ chính chất lượng của những người làm công tác hòa giải.

3. Một số suy nghĩ về việc quy định thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng ở Việt Nam.  
Từ những ưu điểm mang lại của Trung tâm hòa giải cộng đồng Singapore – một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, chúng ta có nên suy nghĩ về việc thành lập mô hình này theo quy định của pháp luật nước ta về hòa giải cơ sở ở nước ta hay không?

Trước hết, ý tưởng về việc thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng sẽ khuyến khích và thu hút được nhiều nguồn lực xã hội như các Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các Trung tâm trợ giúp pháp lý và các tổ chức hành nghề tư vấn khác… với các luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp lý vào công tác hòa giải cơ sở. Đây chính là một trong những hạn chế hiện nay của công tác hòa giải ở cơ sở khi chưa thực sự thu hút được đội ngũ có kiến thức phát luật, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn như luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp lý vào công tác này.

Mặt khác, quy định thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng trong Luật Hòa giải cơ sở cũng sẽ tạo tiền đề cho việc đưa hoạt động hòa giải ở cơ sở thành biện pháp giải quyết tranh chấp thay cho Tòa án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lượng cải cách tư pháp đến năm 2020: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Do đó, Trung tâm sẽ giúp Nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ từ cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, với tính linh hoạt, mềm dẻo, nhanh chóng của mô hình tổ chức này, việc hòa giải cơ sở ở Việt Nam sẽ được tiến hành một cách chuyên môn, chuyên nghiệp và có kỹ năng hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra khi hướng đến việc thành lập Trung tâm hòa giải cộng đồng là có hay không việc thu phí khi cung cấp các dịch vụ hòa giải.

Trường hợp thứ nhất, nếu Trung tâm hòa giải cộng đồng hoạt động miễn phí có sự hỗ trợ của Nhà nước, thì sẽ dẫn đến nguy cơ “phình” bộ máy và ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động của Trung tâm. Và khi đó, Trung tâm hoạt động vừa theo nguyên tắc tự quản, vừa có yếu tố quản lý của Nhà nước, điều này cũng sẽ lại dẫn đến tình trạng “hành chính hóa” hoạt động hòa giải cơ sở, đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính.

Trường hợp thứ hai, nếu thực hiện thu phí hòa giải thì dù ở mức nhỏ nhất, hoạt động của Trung tâm hòa giải cộng đồng sẽ không đúng với bản chất của một tổ chức quần chúng tại cộng đồng, dễ dẫn đến hành vi tiêu cực vì khó kiểm soát. Tuy nhiên, nếu thu phí cho hoạt động này thì lại có thể giải quyết được vấn đề về nguồn lực tài chính hiện đang rất hạn chế cho công tác này tại nhiều địa phương, từ đó có thể động viên, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời, thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sơ sở.

          Hơn nữa, hiện nay, ở nước ta, có rất nhiều tổ chức xã hội thực hiện chức năng tư vấn như Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các trung tâm tư vấn thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề tư vấn hoặc cử người tham gia… nếu cho ra đời thêm các Trung tâm hòa giải cộng đồng thì bộ máy nhà nước thêm nặng nề và có phần “quá tải”.

            Như vậy, bên cạnh những ưu điểm mang lại, mô hình Trung tâm hòa giải cộng đồng cũng có những điểm hạn chế nhất định. Do đó, để đảm bảo tính phù hợp của mô hình với thực tiễn, cũng như có sự tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, kế thừa thành tựu pháp luật của các nước, tác giả đề xuất trong thời gian tới, pháp luật nước ta nên quy định theo hướng mở cho phép thành lập một số Trung tâm hòa giải cộng đồng thí điểm ở một số địa phương. Các Trung tâm này hoàn toàn là tổ chức tự quản của nhân dân, Nhà nước cho thu phí một phần để lấy kinh phí sử dụng cho các hoạt động của Trung tâm như thuê trụ sở, thuê hòa giải viên, văn phòng phẩm… Sau đó, dựa trên kết quả thực tiễn thực hiện thí điểm mô hình này để đánh giá tính phù hợp và hiệu quả mang lại của Trung tâm hòa giải cộng đồng, từ đó, có cơ chế điều chỉnh Luật hòa giải ở cơ sở theo hướng thích hợp.

Cuối cùng, mặc dù, sự ra đời của các Trung tâm hòa giải cộng đồng sẽ giúp Nhà nước “rảnh tay” trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ từ cộng đồng dân cư khi có thể thu hút được nhiều nguồn lực xã hội vào công tác hòa giải cơ sở và “có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế” hơn mô hình Tổ hòa giải cơ sở đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, song việc có nên thành lập một số Trung tâm hòa giải cộng đồng hay phát triển các mô hình hòa giải khác cần phải cân nhắc và lựa chọn rất kỹ. Bởi, để công tác hòa giải cơ sở phát triển và đạt được những kết quả cao, bên cạnh mô hình tổ hòa giải cơ sở đang hoạt động rất hiệu quả, thì cần phải tìm hiểu và nghiên cứu, thí điểm một mô hình thực sự có hiệu quả trên thực tế, có cơ chế hoạt động phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tế của hoạt động hòa giải ở cơ sở./.
LG.THẢO ANH
 

[1] “Hòa giải trong thương mại và phát triển phương thức hòa giải trong thương mại ở Việt Nam”-Ths.Lưu Hương Ly, Giảng viên khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội.
[2] Mục 3, Luật về các Trung tâm hòa giải cộng đồng của Singapore

Xem thêm »