Cần mở rộng phạm vi hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp thương mại, tranh chấp lao động
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng trên rất nhiều lĩnh vực, tính chất của các xung đột xã hội cũng ngày càng phức tạp. Thực tiễn hiện nay, có rất nhiều những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột phát sinh trong xã hội như các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột trong cộng đồng dân cư; tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại, lao động. Trong gia đình, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em đang ngày càng mở rộng và phức tạp. Trong lĩnh vực kinh tế, có tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cộng đồng, nhóm người với nhau về giải tỏa, đền bù; tranh chấp thương mại, tranh chấp hợp đồng kinh tế; phân chia tài sản... Trong quan hệ lao động giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, có các loại tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể liên quan đến hợp đồng lao động, tiền công, thời gian làm thêm, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, phúc lợi xã hội, vấn đề đình công... Có thể thấy các mâu thuẫn và tranh chấp trên đều liên quan đến quyền và lợi ích của các bên.
Để duy trì trật tự, ổn định xã hội, cần phải có cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột xã hội. Có nhiều phương thức giải quyết xung đột xã hội khác nhau, trong đó phổ biến là: thương lượng; hòa giải; trọng tài; giải quyết thông qua thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng tại Tòa án.
Hòa giải là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội rất hiệu quả. Ở Việt Nam, phương thức hòa giải đã được ghi nhận mang tính nguyên tắc trong các văn bản luật, dưới luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định “
khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Đây là chủ trương quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế như: hòa giải ở cơ sở, hòa giải thương mại, hòa giải tranh chấp lao động... Trong đó, hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành
[1]; hòa giải thương mại được điều chỉnh bởi pháp luật về hòa giải thương mại
[2]; hòa giải tranh chấp lao động được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động
[3].
Là phương thức hòa giải đã có từ rất lâu đời, hòa giải ở cơ sở đã thể hiện được tính ưu việt và trở thành một địa chỉ tin cậy được nhiều người dân tin tưởng, lựa chọn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột và vi phạm pháp luật không chỉ trong cộng đồng dân cư làng, xã, thôn, bản, tổ dân phố mà trong toàn xã hội.
Vậy phạm vi hòa giải ở cơ sở hiện nay được quy định như thế nào? Các tranh chấp thương mại và tranh chấp lao động có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không?
I. KHÁI QUÁT VỀ TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI VÀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
1. Tranh chấp thương mại
a) Khái niệm:
Tranh chấp trong thương mại là một loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đôi khi vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, các mối quan hệ kinh tế thương mại giữa các nhà kinh doanh cũng có những bất đồng và mâu thuẫn dẫn đến các tranh chấp trong việc thực hiện các cam kết.
Tại Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định: “
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi.”
Theo quy định trên, có thể hiểu: Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng hay xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại, có thể kể đến như:
- Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; cho thuê, cho thuê mua; xây dựng; vận chuyển hàng hóa; mua bán trái phiếu, cổ phiếu; đầu tư tài chính, ngân hàng.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
Chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại là thương nhân.
Quan hệ thương mại có thể được thiết lập giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với bên không phải là thương nhân. Một tranh chấp được coi là tranh chấp thương mại khi có ít nhất một bên là thương nhân. Ngoài ra cũng có một số trường hợp, các cá nhân tổ chức khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại như: tranh chấp giữa công ty – thành viên công ty; tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, hợp nhất, giải thể, chia, tách công ty; …
b) Căn cứ phát sinh tranh chấp thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật:
Trong nhiều trường hợp, tranh chấp thương mại phát sinh do các bên có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích của nhau, tuy nhiên cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên nhưng không làm phát sinh tranh chấp. Nội dung của tranh chấp thương mại là những xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hoạt động thương mại. Các quan hệ thương mại có bản chất là các quan hệ tài sản, nên nội dung tranh chấp thương liên quan trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các bên.
c) Các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại:
Tranh chấp thương mại đòi hỏi được giải quyết thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật của công dân, góp phần ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, bảo đảm trật tự pháp luật, kỷ cương xã hội. Hiện nay tranh chấp thương mại được giải quyết bằng một trong 04 phương thức: Thương lượng, Hòa giải, Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Mỗi phương thức có sự khác nhau về tính chất pháp lý, nội dung của thủ tục, trình tự tiến hành, cụ thể:
-
Phương thức thương lượng: là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Quá trình thương lượng giữa các bên không chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết. Với phương thức này, việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng.
-
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án: là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Phán quyết của tòa án bằng bản án, quyết định nhân danh nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh quyền lực nhà nước.
Việc giải quyết theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ thông qua hai cấp xét xử.
-
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với kết quả cuối cùng là phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Được tiến hành khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.
Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các trọng tài viên.
Là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên khi mà các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, địa điểm giải quyết, luật áp dụng.
Hoạt động giải quyết không được công khai, đảm bảo tính bí mật.
-
Phương thức hòa giải: là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại là trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 26/2/2017 về hòa giải thương mại có hiệu lực từ ngày 15/4/2017 (Khoản 1 Điều 3 Nghị định). Đây là văn bản duy nhất điều chỉnh phương thức hòa giải thương mại, theo đó, quá trình hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Các bên tranh chấp không chịu sự chi phối bởi các quy định có tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hòa giải. Giống như phương thức thương lượng, kết quả hòa giải thành được thực thi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải.
2. Tranh chấp lao động
a) Khái niệm:
Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012 nêu rõ:
“Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.
Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.”
Như vậy, tranh chấp lao động không chỉ là tranh chấp về lao động, về việc làm, mà còn là những tranh chấp, xung độ về các hành vi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tranh chấp lao động là loại tranh chấp về các vấn đề liên quan đến quá trình lao động, gồm việc xác lập, duy trì, chấm dứt mối quan hệ lao động giữa các bên. Không chỉ vậy, tranh chấp lao động còn bao gồm các xung đột liên quan đến việc làm, học nghề, quạn hệ đại diện lao đông,… những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
b) Các loại tranh chấp lao động:
- Căn cứ vào quy mô của tranh chấp, tranh chấp lao động gồm có tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động; tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể người lao động với đại diện người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động.
- Căn cứ vào tính chất của tranh chấp, tranh chấp lao động gồm có tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Trong đó, tranh chấp về quyền là những tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong luật lao động, thỏa ước lao động tập thể hay hợp đồng lao động.
Tranh chấp về lợi ích là những tranh chấp về các quyền lợi chưa được pháp luật quy định hoặc để ngõ, chưa được các bên ghi nhận trong thỏa ước tập thể hoặc đã thỏa thuận trong thỏa ước nhưng không còn phù hợp do các yếu tố phát sinh vào thời điểm tranh chấp.
c) Các phương thức giải quyết tranh chấp lao động:
Khi tranh chấp lao động xảy ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân mang thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết trên cơ sở các biện pháp và nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Chương XIV Bộ luật lao động năm 2012.
Theo đó, các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động gồm: thương lượng, hòa giải, giải quyết của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Trong đó, đối với giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, hòa giải viên lao động, Tòa án nhân dân là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên lao động; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chaos lao động tập thể về lợi ích. Cụ thể:
- Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp đối thoại với nhau một cách trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, đây chính là phương thức giải quyết được sử dụng rộng rãi nhất. Khi thương lượng, các bên sẽ bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp, đưa ra những phương án nhằm giải quyết vụ tranh chấp đó. Quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận giữa chính các bên mà không phải là kết quả của một áp lực nào từ bên ngoài.
- Phương thức giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là phương thức giải quyết được áp dụng khi có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp để xem xét, giải quyết tranh chấp lao động.
- Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét. Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành và sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
- Xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền, trong đó Tòa án sẽ ra một bản án hoặc quyết định để giải quyết vụ việc. Giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án nhìn chung là hoạt động giải quyết cuối cùng sau khi tranh chấp đã được giải quyết ở các giai đoạn khác mà không đoạt kết quả. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án được thực hiện bởi cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước đặc biệt, tiến hành theo những quy trình và thủ tục tố tụng chặt chẽ được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Ưu điểm lớn nhất của phương thức giải quyết tranh chấp này là các phán quyết của toàn án về vụ tranh chấp lao động được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước.
- Khác với thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhưng bên thứ ba không đưa ra phán quyết mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các bên thương lượng. Hòa giải được xem là một trong những phương thức tối ưu trong quá trình giải quyết các tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp lao động nói riêng. Thông qua hòa giải, người sử dụng lao động và người lao động có thể tháo gỡ những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền và lợi ích một cách nhanh chóng, đạt được lợi ích của mình một cách nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp tranh chấp có tính chất nghiêm trọng mà hòa giải có nguy cơ không giải quyết triệt để được vấn đề hoặc mang đến những bất lợi nhất định cho phía người lao động, pháp luật cũng quy định các trường hợp ngoại lệ là các tranh chấp không bắt buộc phải thông qua hòa giải. Khoản 1 Điều 201, Bộ luật lao động 2012 quy định:
“Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”
Như vậy, đối với các tranh chấp trên, người sử dụng lao động và người lao động có thể bỏ qua thủ tục hòa giải, trực tiếp nộp đơn lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở nhìn chung phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận của phong trào quần chúng. Sự tham gia của hàng chục nghìn người vào hòa giải ở cơ sở sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho Nhà nước. Từ đó, Nhà nước nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ phía xã hội, nguồn sức mạnh từ sự đoàn kết toàn dân, phát huy được sức sáng tạo của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện dân chủ.
Trong nền kinh tế thị trường, cơ cấu xã hội có những biến động. Sự phân tầng xã hội đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn, xu hướng đồng thuận xã hội ngày càng gặp khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở để bảo đảm hài hòa các lợi ích, hạn chế và dập tắt xung đột xã hội dù là ở mức nhỏ nhất. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuy không loại bỏ được sự phân tầng xã hội theo hướng phân hóa giàu nghèo, nhưng có khả năng xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Những mâu thuẫn xã hội phát sinh trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường do được điều tiết thông qua pháp luật, chính sách và các công cụ khác của Nhà nước nên ít có nguy cơ trở thành các mâu thuẫn đối kháng và tạo ra các xung đột có tính chất chia rẽ xã hội. Vì vậy, vấn đề giải quyết xung đột bằng hòa giải đã mang một nét văn hóa và đậm tính pháp luật chứ không còn đơn thuần là những giá trị đạo đức, dư luận xã hội nữa. Nó trở thành một giá trị của cộng đồng. Hòa giải ở cơ sở giúp cho các thành viên trong xã hội hiểu nhau hơn, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn, từ đó làm giảm đi những khác biệt trong đời sống của mỗi con người và mỗi nhóm người.
II. Phạm vi hòa giải ở cơ sở
Theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay, hoạt động hoà giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do các hòa giải viên của tổ hoà giải thực hiện. Trong đó, tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vụ việc xảy ra ở địa bàn thôn, tổ dân phố đều có thể được tiến hành hoà giải mà có những giới hạn cụ thể hay phạm vi hòa giải được pháp luật quy định.
Khác với Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng liệt kê gồm các trường hợp được hòa giải và các trường hợp không được hòa giải, Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về phạm vi hòa giải theo hướng loại trừ, chỉ quy định về các trường hợp không được hòa giải ở cơ sở. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
(i) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
(ii) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;
(iii) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;
(iv) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở lại quy định hướng dẫn Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở theo hướng phân định thành những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải và những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không được tiến hành hòa giải. Theo đó:
1. Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải, bao gồm:
- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác).
- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.
Cũng giống như quy định trong Pháp lệnh năm 1998, riêng đối với việc ly hôn, hòa giải viên không được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn như cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn mà chỉ được thực hiện việc hòa giải, giúp đôi vợ chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng không đồng ý đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án công nhận thì hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ họ viết đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.
- Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải:
+ Trường hợp không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Theo đó, hòa giải viên được tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật hình sự mà không bị khởi tố vụ án do có một trong các căn cứ sau và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật: (i) Không có sự việc phạm tội. (ii) Hành vi không cấu thành tội phạm. (iii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). (iv) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật. (v) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27, Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). (vi) Tội phạm đã được đại xá. (vii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. (viii) Tội phạm quy định tại tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016) hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể:
+ Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng sau: (i) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; (ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; (iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; (v) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Theo Điều 138 Luật Xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm: Nhắc nhở và quản lý tại gia đình. (i) Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo; người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. (ii) Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính) khi có đủ các điều kiện: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm. Theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự thì hòa giải ở cơ sở có thể được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 thì người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 này là người phạm tội nói chung trong đó có cả người chưa thành niên.
+ Các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự trong trường hợp người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố.
2. Các trường hợp không được hòa giải
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, thì khi thuộc các trường hợp sau đây hòa giải viên không được tiến hành hòa giải:
- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Ví dụ: Các mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm, lấn chiếm đất công, tranh chấp về sử dụng trái phép công trình công cộng…
- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (ví dụ: Chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật nên hòa giải viên không được hòa giải để các bên tự giải quyết, duy trì quan hệ hôn nhân và gia đình trái pháp luật đó), giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp được hòa giải quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.
- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trừ các trường hợp được hòa giải quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.
-
Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, do việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.
* Một số suy nghĩ về việc mở rộng phạm vi hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp thương mại, tranh chấp lao động:
Như vậy, theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở thì các mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải ở cơ sở, gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, do việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.
Quy định này có thể hiểu rằng, các hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về lao động, nên không thực hiện theo quy định của pháp luật hòa giải ở cơ sở. Vậy, trường hợp các bên tranh chấp về thương mại, lao động nếu có yêu cầu tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở thực hiện việc hóa giải các mâu thuẫn thì có thể thực hiện theo Luật hòa giải ở cơ sở hay không? Hay nói cách khác, các mâu thuẫn, tranh chấp về thương mại, lao động có thể được hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải nếu như các bên có yêu cầu?
Trước tiên, về chính sách của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở (Khoản 1 Điều 5 Luật hòa giải cơ sở) có quy định:
“Khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác. Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác.”
Bên cạnh đó, Điều 1 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 26/2/2017 về hòa giải thương mại có hiệu lực từ ngày 15/4/2017 có quy định: “…
Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”
Điều 194 Bộ luật lao động 2012 có quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động “ Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động”
Các quy định của Bộ luật lao động 2012 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 26/2/2017 về hòa giải thương mại trên cho thấy rằng, các bên tranh chấp thương mại, lao động có thể tự hòa giải, thương lượng với nhau hoặc đề nghị hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại trong và ngoài nước làm trung gian hòa giải hoặc cũng có thể đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác như tổ hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh. Điều này cũng có nghĩa là, các tranh chấp thương mại, lao động có thể do các bên tự hòa giải với nhau hoặc được giải quyết bằng phương thức hòa giải thương mại, hòa giải lao động hoặc bằng các phương thức hòa giải khác, trong đó có hòa giải ở cơ sở trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, khi các bên tranh chấp thương mại, lao động khi có đề nghị tổ hòa giải ở cơ sở , hòa giải viên ở cơ sở hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh thì lại vướng phải quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định về các trường hợp không được hòa giải ở cơ sở. Khi đó, việc thụ lý vụ việc và tiến hành hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp này sẽ khó được thực hiện.
Tác giả cho rằng, phương thức giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn và xung đột trong xã hội thông qua con đường hòa giải có chiều hướng trở thành xu thế của thời đại, nhất là phương thức hòa giải ở cơ sở. Đây là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật đã có từ lâu đời ở nước ta, đặc biệt là từ sau khi có Luật hòa giải ở cơ sở 2013 đến nay, Luật đã đi vào cuộc sống và đã thu được những kết quả tốt, góp phần ổn định trật tự xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của xã hội và công tác quản lý phát triển xã hội, sẽ có những quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, như các quy định về phạm vi hòa giải, mà tác giả cho rằng cần khuyến khích và quy định rõ phạm vi được hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp thương mại, lao động. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khi khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài.
Do vậy, tác giả cũng đề xuất Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, sửa đổi các quy định của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành, để hoàn thiện chế định hòa giải ở cơ sở phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc.
Thảo Anh
[1] Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
[2] Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại có hiệu lực từ ngày 15/4/2017 (sau đây là Nghị định)
[3] Bộ luật lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành