Dự thảo mới nhất của Thông tư “quản lý xe ôm”: Vừa quản lý - vừa nghe ngóng

02/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Như Báo PLVN ngày 25/3/2009 đã đưa tin, trước sự phản ứng của dư luận xã hội về tính bất hợp lý của nhiều nội dung trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, xe mô tô để vận chuyển hành khách và hàng hóa do Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT) chủ trì soạn thảo, sau khi được gửi lên Bộ GTVT, bản dự thảo đã được chỉnh lý lại khá nhiều để hướng tới mục tiêu phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, các VBQPPL khác có liên quan và nhất là thực tiễn cuộc sống.

Đặt nhiệm vụ quản lý vào “tay” địa phương

   Chủ trương Bộ GTVT sẽ chỉ xây dựng quy chế chung, tạo hành lang pháp lý, rồi phân cấp cho các địa phương tuỳ tình tình tổ chức thực hiện như ông Trần Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT đã trao đổi cùng PV trong bài viết ngày 25/3, đã được thể hiện ngay từ Điều 1và 2 của dự thảo Thông tư. Theo đó, Thông tư chỉ hướng dẫn những nguyên tắc chung để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương. Thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để quy định chủng loại xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự được vận chuyển hành khách, hàng hóa trong phạm vi địa phương. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động đối với từng loại phương tiện để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quy định điểm đỗ, điểm đón, trả hành khách và hàng hóa để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Và khi đã có sự phân cấp như vậy thì xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa trong phạm vi tỉnh nào thì phải tuân theo các quy định của tỉnh đó.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu quy định “xe thô sơ, xe gắn máy... vận chuyển hành khách, hàng hóa trong phạm vi tỉnh nào thì phải tuân theo các quy định của tỉnh đó” thì liệu khi thực thi có dễ bị hiểu nhầm dẫn đến thực thi sai theo kiểu quy định “xe biển số tỉnh A khi vào tỉnh B phải xin phép” như đã từng được đưa ra trước đây hay không? Bởi rõ ràng rằng không phải tỉnh nào cũng có chính sách quản lý giống nhau. Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến trước khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2009, nên vấn đề này “về sau sẽ rõ”. Nhưng dù gì thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho cả người hành nghề lẫn khách hàng sử dụng dịch vụ và có sự tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực, vùng, miền.

Muốn chạy xe ôm cần điều kiện gì?

   Nếu như bản dự thảo Thông tư trước đây do Cục Quản lý đường bộ soạn thảo đưa ra một hàng dài các điều kiện gây hoang mang cho người dân nói chung và "cánh xe ôm" nói riêng như: có hộ khẩu, hoặc tạm trú, có sức khỏe, có đơn xin tham gia vận tải hành khách..., rồi thì hiệu lực của đơn xin kinh doanh, giá cước thỏa thuận không vượt quá giá cước trần..., thì nay theo dự thảo Thông tư mới nhất, điều kiện để chạy xe ôm rất đơn giản chỉ với 5 yêu cầu. Tuy nhiên, có thể hiểu sự đơn giản này vẫn phải nằm trong khuôn khổ quản lý nhất định là đã hành nghề xe ôm thì nhất định phải tuân quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động, cũng như quy định điểm đỗ, điểm đón, trả hành khách và hàng hóa do UBND tỉnh ban hành như đã nói ở trên. Theo tâm tư của những người chạy xe ôm, cũng như tâm lý chung của xã hội, đã chạy xe ôm là đường ngang ngõ tắt, nơi nào cần là ta có mặt vậy thì quy định như vậy đã hẳn phù hợp chưa?

Chính vì thế, nên dường như lường được những sự phản hồi của dư luận, những nhà làm luật đã để “dự phòng” một lối thoát: “Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân có những vấn đề phát sinh vướng mắc đề nghị báo cáo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu giải quyết” (Khoản 2 Điều 7 dự thảo Thông tư). Và, “lối thoát” này được hiểu như một sự ứng biến linh hoạt của nhà làm luật nhằm đạt được mục tiêu lớn là “nhất thiết phải quản lý, để nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quy định  của Luật Giao thông đường bộ năm 2008” - như ông Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải đã từng khẳng định.

Xuân Hoa

Người điều khiển phương tiện phải đáp ứng đủ yêu cầu:

- Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú.

- Đủ tuổi lái xe theo quy định hiện hành.

- Có giấy phép lái xe hoặc hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ theo quy định hiện hành.

- Trang bị mũ bảo hiểm cho hành khách đi xe.

- Có phù hiệu hoặc trang phục do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận chuyển công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác.

(Điều 3 dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, xe mô tô để vận chuyển hành khách và hàng hóa )

Xem thêm »