Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam: Cần một chiến lược phát triển

27/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

“Trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam là một lĩnh vực hoạt động rộng, có liên quan trực tiếp đến tiến trình phát triển, dân chủ hóa xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực hiện công lý và công bằng xã hội, là yếu tố cấu thành nhà nước pháp quyền”. Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý đã nhận định như vậy về yêu cầu cần xây dựng và xác định chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam tại hội thảo về “Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam” tại Hà Nội (ngày 27/4).

“Ăn sâu bén rễ”

Sau 11 năm xây dựng và phát triển, TGPL đã dần “ăn sâu bén rễ” trong đời sống xã hội và đang được nhân dân tin dùng ngày càng nhiều hơn. TGPL cũng đang là bộ phận cấu thành của các công cuộc cải cách tư pháp, hành chính và lập pháp. Đồng thời cũng là bộ phận cấu thành của các chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Đến nay, lĩnh vực TGPL đã có hệ thống pháp luật đồng bộ gồm Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật TGPL được đánh giá là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển về chất của công tác TGPL nói riêng và sự trưởng thành của ngành Tư pháp nói chung. Ở các địa phương, hầu hết UBND cấp tỉnh đều đã ban hành Quyết định, Chỉ thị để sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản do địa phương ban hành trước đây liên quan đến công tác TGPL và không còn phù hợp theo Luật TGPL, thành lập Hội đồng phối hợp (HĐPH) liên ngành về TGPL trong tố tụng… Theo bà Lý, hệ thống văn bản này đã tạo thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động TGPL, đưa hoạt động TGPL lên tầm cao mới, phù hợp với xu hướng vận động và phát triển của chế định TGPL trên thế giới.

Qua gần 02 năm thực hiện Luật TGPL, mạng lưới TGPL đã được mở rộng trên cả nước, với sự tham gia của cả những lực lượng thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá của Cục TGPL, việc huy động các lực lượng xã hội tham gia TGPL, thực hiện chủ trương xã hội hóa TGPL hiện nay vẫn đang trong giai đoạn vừa khuyến khích, vừa tạo thói quen cho dân tin và sử dụng dịch vụ từ lực lượng xã hội. Nguyên nhân là do thể chế chưa phù hợp, nhận thức về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cộng tác viên (luật sư, tư vấn viên pháp luật) chưa cao, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về TGPL với các cơ quan chủ quản của các Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức quản lý luật sư và tổ chức hành nghề luật sư ở một số nơi chưa chặt chẽ…

Phải có mục tiêu cụ thể gắn với vùng, miền

Với những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động TGPL, những người quan tâm đến sự phát triển của TGPL ở Việt Nam đều nhận thấy đã đến lúc cần có một chiến lược thực sự cho hoạt động TGPL ở Việt Nam.

Chiến lược cần được xây dựng trong tương quan xây dựng chiến lược ngành Tư pháp, với việc xác định các mục tiêu tổng quát và cụ thể của từng giai đoạn, từng vùng, từng lĩnh vực trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phân tích các yêu cầu, tình hình thực tiễn và dự báo. Đồng thời, cũng cần xác định các mục tiêu cụ thể, gắn với đặc điểm vùng, miền trên cơ sở những yếu tố tổ chức bộ máy, con người, năng lực hiện có và dự báo nhu cầu, dự liệu những nguồn lực bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TGPL xác định thành các giai đoạn, với bảo đảm tỷ lệ đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân, từ 55-70% trong giai đoạn từ 2008-2010, 71-80% trong giai đoạn từ 2011-2020 và 81-95% trong giai đoạn từ 2021-2030, định hướng đạt 100% nhu cầu TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng của người dân.

Theo đề xuất của Cục TGPL, chiến lược sẽ được xây dựng thành 5 phần, gồm các nội dung về thực trạng TGPL ở Việt Nam; bối cảnh, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển TGPL ở Việt Nam; xu hướng phát triển TGPL; các giải pháp bảo đảm cho sự phát triển và tổ chức thực hiện (xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể: các cơ quan công quyền, chính quyền cà các tổ chức TGPL của nhà nước, các cơ quan truyền thông, cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan trong Chương trình mục tiêu quốc goia về xóa đói, giảm nghèo, các tổ chức, đoàn thể, tổ chức luật sư và tư vấn theo các giai đoạn).

Huy Long

Hiện cả nước có 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 123 Chi nhánh, 886 Tổ TGPL, 3.387 CLB TGPL, 715 mô hình khác (như điểm, hòm thư TGPL…); 30/60 trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức và 106/839 tổ chức hành nghề LS đăng ký tham gia TGPL; có 172 trợ giúp viên pháp lý (bằng 1/3 cán bộ, viên chức thuộc các Trung tâm TGPL); 8.013 cộng tác viên (trong đó 858 cộng tác viên là luật sư).

Từ 1997 đến 2008, Cục TGPL và các Trung tâm đã thực hiện TGPL được hơn 1.215.820 vụ việc cho 1.260.680 lượt người, cộng tác viên thực hiện 59,7% tổng số vụ việc.

(Nguồn: Cục TGPL)

Xem thêm »