UBTVQH thông qua chương trình làm việc kỳ họp thứ V Quốc hội khóa 12: Bố trí chương trình hợp lý, ngắn gọn

15/05/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong ngày làm việc cuối của phiên họp thứ 20, hôm qua (14/5), UBTVQH đã thông qua chương trình làm việc kỳ họp thứ V Quốc hội khóa 12. Theo đó, trong khoảng 26 ngày (từ 20/5 đến 20/6), kỳ họp thứ V Quốc hội khóa 12 sẽ cho ý kiến và biểu quyết thông qua 12 dự án Luật, Luật sửa đổi, bổ sung; 5 Nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án Luật khác.

Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2008, tình hình triển thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2009, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu của Chính phủ năm 2009, quyết toán NSNN 2007, dự án đầu tư tại Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguồn vốn sử dụng góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội (mục tiêu kích cầu) có nguồn gốc NSNN, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đề án đổi mới cơ chế tài chính của GD&ĐT giai đoạn 2008-2012, chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2010, báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, chủ trương và quy hoạch khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, kết quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, …

Áp dụng hệ số 0,8 để chi thưởng cho CBCC của Kiểm toán Nhà nước (KTNN)

Cùng ngày, UBTVQH đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH (ngày 03/3/2006) của UBTVQH quy định về chế độ liên quan đến CBCC và người lao động (NLĐ) trong KTNN.

Cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS), các thành viên UBTVQH cho rằng, phạm vi để trích nguồn kinh phí 2% cho KTNN được xác định là các khoản phát hiện tăng thu thêm từ các khoản ẩn lậu (thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác) đã nộp NSNN, các khoản chi sai chế độ đã nộp NSNN và các khoản chi sai chế độ đã giảm chi, giảm thanh toán vào ngân sách năm sau của đơn vị được kiểm toán.

Căn cứ để trích nguồn kinh phí 2% là các khoản đã thực nộp ở Kho bạc nhà nước (KBNN) để nâng cao trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, KBNN, Bộ Tài chính, KTNN. Theo lập luận của UBTCNS, nếu chỉ căn cứ số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và kiểm tra của KTNN về kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN tại Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán làm căn cứ trích 2% là chưa đầy đủ, chính xác, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan KTNN trong việc thực hiện chức năng kiểm tra đơn vị thực hiện kiến nghị của KTNN.

Không nhất trí theo phương án áp dụng hệ số 1,0 lần (so với lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung và phụ cấp ưu đãi theo nghề) như đề xuất trong tờ trình của KTNN, UBTVQH cho rằng, áp dụng hệ số 0,8 lần để tính mức chi khuyến khích, thưởng cho CBCC và NLĐ của KTNN là hợp lý. Vì nếu quy định mức chi tối đa theo hệ số 1,0 sẽ tạo sự bất bình đẳng và sự chênh lệch về thu nhập giữa các ngành trong hệ thống bộ máy nhà nước. Ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Quốc hội) cũng nhấn mạnh, hệ số 0,8 được áp dụng chung cho CBCC và NLĐ của KTNN, nhưng KTNN có thể tự quyết định hệ số khuyến khích, thưởng cho NLĐ khác (không phải Kiểm toán viên) tùy theo khả năng và không quá 0,8./.

H.Giang

Xem thêm »