Sáng kiến chiến lược, thành tựu hợp tác phát triển của IDLO và quyền lợi của Việt Nam khi gia nhập tổ chức này

09/05/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tiếp theo bài đã đăng về mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổ chức quốc tế về Phát triển pháp luật (IDLO), chúng tôi xin giới thiệu bài tiếp theo về những sáng kiến chiến lược, thành tựu hợp tác phát triển của IDLO và quyền lợi của Việt Nam khi gia nhập tổ chức này. Bài viết gồm 2 phần, Phần 1 trình bày các sáng kiến chiến lược và thành tựu hợp tác phát triển của IDLO; Phần 2 phân tích các quyền lợi của Việt Nam khi trở thành thành viên của tổ chức này. Bài viết sẽ bổ sung những thông tin cần thiết cho việc Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác pháp luật lâu dài, hiệu quả với tổ chức phát triển liên chính phủ quan trọng này.

Chính sách ưu tiên của IDLO trong những năm gần đây là dành các nguồn lực nhằm giải quyết các điều kiện tiên quyết về thể chế, cơ cấu và pháp luật cho mục tiêu giảm đói nghèo thông qua các hoạt động tăng cường năng lực để thúc đẩy 1) Pháp quyền; 2) Quản trị tốt và; 3) Các mục tiêu cụ thể khác của Tuyên bố Phát triển thiên niên kỷ. 

Bốn (04) lĩnh vực pháp luật mà IDLO ưu tiên trợ giúp kỹ thuật trong giai đoạn này là 1) Cải cách tư pháp; 2) Quản trị quốc gia; 3) Kinh doanh, luật thương mại và tài chính và; 4) Thương mại quốc tế và sở hữu trí tuệ.

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, IDLO đặt ra các sáng kiến chíến lược sau đây:

I. Sáng kiến chiến lược và thành tựu hợp tác phát triển của IDLO

1. Đào tạo quốc tế và hoạt động thực tế

Đối với sáng kiến của mình về xây dựng năng lực, IDLO sẽ tiếp tục các chương trình đào tạo quốc tế và tại quốc gia và cung cấp trợ giúp kỹ thuật. IDLO sẽ:

· Tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo và dự án tại chỗ để đối phó với các thách thức toàn cầu mới;

· Hỗ trợ các nhà tài trợ bằng việc trợ giúp việc xây dựng, đánh giá chính sách, thiết kế chương trình, nghiên cứu và đánh giá;

· Xây dựng và mở rộng chương trình hợp tác với các tổ chức đa phương mà IDLO đã ký kết Biên bản ghi nhớ hoặc thoả thuận tương tự;

· Tăng cường sự hiện diện toàn cầu của IDLO bằng việc triển khai các hoạt động tại Trung tâm đào tạo khu vực ở Cairo dành cho các nước nói tiếng Ả-rập (Trung tâm này đã được thành lập từ năm 2005);

· Xây dựng và thực hiện một chiến lược mở rộng hoạt động ở châu Mỹ Latinh và Trung Quốc;

· Xây dựng một khuôn khổ qua đó các Hội cựu sinh viên của IDLO có thể cung cấp cho IDLO thông tin quan trọng tại địa phương phục vụ cho việc thiết kế chương trình và giúp cho việc thi hành chương trình tại địa phương;

Tiếp tục xây dựng và sử dụng phương pháp đánh giá nhu cầu trước dự án và đánh giá dài hạn sau dự án sau dự án nhằm tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người thụ hưởng.

2. Xây dựng năng lực

IDLO sẽ đưa xây dựng năng lực thành một phần trong hoạt động của mình. IDLO cũng sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường mạng lưới phát triển toàn cầu của mình thông qua luật được soạn thảo bởi các Hội cựu sinh viên và các tổ chức đối tác tại các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi nền kinh tế và các nước vừa thoát ra từ các cuộc xung đột vũ trang. Các tổ chức này thực hiện ở tầm quốc gia những hoạt động mà IDLO thực hiện ở tầm quốc tế. IDLO sẽ:

· Tiếp tục củng cố các Hội cựu sinh viên cũng như các tổ chức đối tác.

· Củng cố và mở rộng mạng lưới toàn cầu các hiệp hội và các tổ chức đối tác nói trên bằng việc khuyến khích thành lập các hiệp hội mới;

· Tăng cường sử dụng các Hội cựu sinh viên và các đối tác địa phương trong việc xác định đối tượng thụ hưởng tiềm năng của hoạt động đào tạo trợ giúp kỹ thuật của IDLO;

· Xây dựng và mở rộng Chương trình nghiên cứu sinh của IDLO theo đó người tham gia sẽ được tuyển chọn để tham dự các khoá học quốc tế với điều kiện sau này sẽ đóng góp cho công việc của các Hội cựu sinh viên liên quan hoặc tổ chức đối tác địa phương;

· Kết nối hiệp hội trường đại học và cao đẳng và đối tác địa phương với các tổ chức khác nhằm bổ sung lĩnh vực pháp luật vào sự phát triển hiện tại và hoạt động từ thiện của các tổ chức đó;

· Hỗ trợ các nhà tài trợ trong nỗ lực trợ giúp cho lĩnh vực thông qua các dàn xếp chung tay ba giữa IDLO/các Hội cựu sinh viên/đối tác địa phương về đánh giá ngắn hạn, giám sát và đánh giá dài hạn.

3. Đào tạo, nghiên cứu từ xa và cung cấp tài liệu  

· Thông qua các phương tiện điện tử và các phương tiện khác, IDLO sẽ giúp các luật gia tăng tăng cường các nỗ lực cải cách pháp luật và quản trị tốt. IDLO sẽ:

· Cung cấp đào tạo và chia sẻ kiến thức thông qua chương trình học từ xa;

· Hỗ trợ cải cách pháp luật gắn với chính trị của cộng đồng quốc tế bằng việc xây dựng và cung cấp các diễn đàn đối thoại và dịch vụ tư vấn;

· Tiến hành hợp đồng nghiên cứu về các vấn đề quản trị; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của IDLO và của các tổ chức khác để chia sẻ kết quả cho các đối tác trong nước, công chúng và các nhà tài trợ của IDLO về các thực tiễn tốt nhất trên thế giới và bài học rút ra từ các công trình nghiên cứu đó;

· Phổ biến kết quả các công trình nghiên cứu hướng vào thực tiễn và ấn phẩm cho những người quan tâm trên toàn thế giới bằng việc sử dụng chức năng nghiên cứu mở rộng và kinh nghiệm thu được từ các hoạt động phong phú của IDLO;

· Thiết lập dịch vụ cung cấp tài liệu pháp luật để đáp ứng nhu cầu của những người tham gia trước đây, các Hội cựu sinh viên, các đối tác địa phương và các tổ chức tài trợ;

· Kết nối chương trình học từ xa của IDLO với các Hội cựu sinh viên và các đối tác địa phương khác;

· Xây dựng mối quan hệ đối tác bổ sung với các trường đại học và các trung tâm xuất sắc khác trên toàn thế giới nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu và năng lực khác của IDLO. 

4. Sẵn sàng trợ giúp sau xung đột

IDLO sẽ có đóng góp quan trọng cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc trợ giúp kỹ thuật cho những nước đang cố gắng tránh hoặc phục hồi sau các cuộc xung đột bạo lực. Trợ giúp kỹ thuật của IDLO sẽ tiếp tục mang tính phi chính trị, tương đối và dựa trên nguyên tắc rằng mọi quyết định quan trọng đối với các vấn đề cần sự tư vấn và giúp đỡ sẽ do các nước hữu đưa ra. IDLO sẽ:

· Mở rộng vai trò của mình với tư cách là một nguồn đã được thừa nhận đối với hoạt động nghiên cứu và phân tích về các hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực từng trải qua hoặc khôi phục từ các cuộc xung đột bạo lực và công bố những bài học rút ra từ các hoạt động của IDLO trong thời kỳ hậu xung đột;

· Cung cấp thông tin này cho cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt xung đột hoặc góp phần vào việc khôi phục sau xung đột, tái thiết và lập lại chế độ pháp quyền;

· Tiếp tục phát triển mối quan hệ với các tổ chức đa phương và song phương cung cấp hỗ trợ hậu xung đột;

· Đóng góp cho việc xây dựng lại các thể chế và chế độ pháp quyền thông qua các dự án trợ giúp kỹ thuật tại các nước vừa trải qua xung đột;

· Thực hiện các các dự án mới tại các quốc gia vừa mới thoát khỏi xung đột nhằm cải thiện chế độ pháp quyền và quản trị tốt, góp phần tránh xung đột bùng phát.

5. Cải thiện tổ chức  

IDLO sẽ góp phần vào việc tăng thẩm quyền cho Tổ chức này để hoàn thành sứ mệnh của mình thông qua các hoạt động sau đây: 

· Xây dựng chiến lược thông tin nội bộ dựa vào các khuyến nghị từ công trình nghiên cứu về chế độ thông tin hoàn thành vào năm 2004 và thực hiện các nội dung đó của chiến lược những năm tiếp theo.

· Thực hiện dự án cải thiện chế độ quản lý thông tin theo các khuyến nghị từ công trình nghiên cứu về chế độ thông tin hoàn thành vào năm 2004.

· Thực hiện dự án về xây dựng chức năng, thủ tục mới và hướng dẫn cách thức thực hiện công việc sau được Ban quản lý dự án phê duyệt.

· Tiến hành phân tích dựa trên cơ sở mối quan hệ chi phí/lợi ích của từng chức năng chính của IDLO và thực hiện tiết kiệm chi phí khi có thể.

· Tăng tỷ lệ nguồn tài trợ không hạn chế từ các nhà tài trợ thuộc khu vực công.

· Tăng cường sử dụng chéo các nguồn lực giữa các đơn vị.

· Tiếp tục tăng cường hỗ trợ từ thiện bổ sung cho nguồn hỗ trợ từ công chúng.

· Cải thiện mối liên hệ trong nội bộ tổ chức.

· Mở rộng và cập nhật Chương trình về biên chế cố vấn pháp luật.

· Xây dựng phương hướng nghề nghiệp cho tất cả các công việc về tổ chức.

· Xác định vai trò và trách nhiệm của Ban quản lý. 

6. Hội cựu sinh viên  -  Xây dựng mạng lưới luật gia và các cơ quan nhằm thúc đẩy chế độ pháp quyền và quản trị tốt

IDLO đã xây dựng một chiến lược tạo ra khả năng tự lực và thẩm quyền địa phương tại các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi nền kinh tế và các nước vừa thoát khỏi xung đột.

Gần 20.000 luật gia từ khoang 180 nước đã tham gia các chương trình đào tạo của IDLO. Đây là một nguồn nhân lực quan trọng. Những người tham gia các khoá đào tạo của IDLO đóng góp cho sự phát triển không chỉ với tư cách là cá nhân mà còn quan trọng hơn với tư cách là một bộ phận của mạng lưới toàn cầu những chuyên gia trong nghề luật mà những người đó, thông qua các Hội cựu sinh viên, đủ năng lực thực hiện ở tầm quốc gia loại hình đào tạo với chất lượng và trợ giúp kỹ thuật mà IDLO thực hiện ở tầm quốc tế. Năng lực của các tổ chức đó đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp  cho công việc của IDLO có tầm ảnh hưởng lâu dài.

Chương trình được thực hiện tại Rome và tại các trung tâm khu vực là đầu máy điều khiển chiến lược này bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn cao nhất về giáo dục pháp luật nâng cao. Vì việc tuyển chọn người tham gia các khoá học quốc tế và vai trò sau này của họ trong việc phát triển các Hội cựu sinh viên và các Tổ chức đối tác là hết sức quan trọng đối với sự phát triển mạng lưới Hội cựu sinh viên toàn cầu và các Tổ chức đối tác của IDLO, những tổ chức đó trên toàn thế giới giúp xác định ở tầm quốc gia các ứng viên sáng giá nhất để gia nhập mạng lưới này của IDLO. Như vậy, mạng lưới Hội cựu sinh viên toàn cầu và các Tổ chức đối tác của IDLO được mở rộng để trở thành "Hội cựu sinh viên", đóng góp tích cực cho các hội cựu sinh viên tại nước mình hoặc cho các Hội cựu sinh viên mới thành lập.  

7. Các hội cựu sinh viên 

Hội cựu sinh viên đầu tiên của IDLO được thành lập tại Camerun năm 1994. Hiện đã có 41 Hội cựu sinh viên với số lượng ngày càng tăng. Quan trọng là ở chỗ hơn một nửa các Hội cựu sinh viên đang tồn tại ở các nước được coi là kém phát triển (LDCs).  Những tổ chức này độc lập với IDLO nhưng hoạt động theo cơ chế quản trị và chuẩn mực về minh bạch và trách nhiệm tương tự như của IDLO.

Các Hội cựu sinh viên cũng như các tổ chức đối tác lựa chọn, như Hiệp hội  luật sư, Hội luật gia và các viện nghiên cứu, nhận sự hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng thể chế, đào tạo cho các báo cáo viên và các hình thức hỗ trợ khác về tài liệu, tư vấn và tài chính từ IDLO để giúp các hội và tổ chức đó trở thành các tổ chức tự lực và có thể thực hiện các chương trình giáo dục nâng cao, nghiên cứu và xuất bản ở tầm quốc gia. Các Hội cựu sinh viên cũng như các tổ chức đối tác thường xuyên tiến hành các chương trình đào tạo cho luật sư, thẩm phán, nghị sỹ và các tổ chức xã hội dân sự và thường cộng tác với IDLO tổ chức các khoá học từ xa và các hoạt động trợ giúp kỹ thuật pháp lý. Bằng việc đóng góp nguồn lực về pháp luật, tư vấn và trợ giúp cho các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng luật gia địa phương, các hội và tổ chức đó đang giúp xây dựng môi trường pháp lý cho đầu tư, thương mại và sự tham gia của công dân.

Hàng năm, các hiệp hội lựa chọn nhận được sự trợ giúp cụ thể từ IDLO trong việc xây dựng kế hoạch hành động ba năm cho tổ chức mình và được hỗ trợ một nguồn tài chính nhỏ. Ngoài ra, IDLO đánh giá sự phát triển thể chế của các hội và tổ chức đối tác nói trên bằng một hệ thống số lượng với những chỉ số xác định quá trình hướng tới sự tự lực của các hội và tổ chức. Kế hoạch hành động gồm hoạt động đào tạo và trợ giúp kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh đào tạo các báo cáo viên và sử dụng phương pháp đào tạo của IDLO và đánh giá nhu cầu phát triển pháp luật của một nước để giúp các Hội tập trung hoạt động của mình vào những nhu cầu cấp bách nhất ở nước đó, cũng như giúp IDLO trong việc thiết kế các khoá đào tạo phục vụ cho những yêu cầu cụ thể. 

8. Hoạt động nghiên cứu và xuất bản

Hoạt động nghiên cứu và xuất bản được triến khai từ 2003 để hỗ trợ hoàn thành sứ mệnh của IDLO: ‘Thúc đẩy sử dụng các nguồn luật trong quá trình phát triển tại các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi nền kinh tế thông qua …hoạt động nghiên cứu và xuất bản.’

Các hoạt động này bao gồm nghiên cứu, viết, hiệu đính và liên kết với pháp luật và chuyên gia về phát triển trên toàn thế giới. Các ấn phẩm gồm có Luật phát triển cập nhật (DLU) - một báo cáo dựa trên những bài học thu được từ hoạt động đào tạo, trợ giúp kỹ thuật và học từ xa và Tiếng nói của các Luật gia về phát triển (VDJ) - một tập hợp các bài viết của các học giả. Tập đầu tiên cuốn Những bài học thu được hàng năm (Annual series Lessons Learned) của IDLO  được xuất bản cuối năm 2006. 

Các toạ đàm về Pháp luật và Phát triển là diễn đàn được tổ chức tại Trụ sở chính của IDLO có sự tham gia tự nguyện của nhân viên IDLO.  Một số hội thảo khác được tổ chức trong những năm gần đây nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi ý tưởng và cung cấp công trình nghiên cứu và các bài viết cho các ấn phẩm của IDLO. Các chủ đề được thảo luận gồm nhà nước pháp quyền, cải cách thể chế, quản trị và phát triển kinh tế. Các cuộc họp đặc biệt đã có sự tham gia của thuyết trình viên từ các tổ chức FAO, USAID, UNDP và Trường đại học Salzburg. 

2. Quyền lợi của Việt Nam khi trở thành thành viên IDLO 

Thủ tục gia nhập IDLO rất đơn giản, chỉ bằng việc quốc gia gửi một thông báo/ yêu cầu bằng văn bản tới IDLO. Đề nghị này, sau khi được các quốc gia thành viên IDLO nhất trí, sẽ được xem xét, thông qua. So với việc là thành viên các thiết chế quốc tế khác, gia nhập IDLO, Việt Nam (cũng như một số nước đang phát triển khác), với tư cách là quốc gia được nhận hỗ trợ phát triển, sẽ được ưu tiên không phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Thậm chí ngay cả đối với một nghĩa vụ truyền thống của mọi quốc gia khi gia nhập các thiết chế quốc tế là đóng góp niên liễm quốc gia thành viên, chúng ta cũng sẽ được miễn. Có được thuận lợi này là do IDLO rất linh hoạt và uy tín trong việc huy động  nguồn tài chính từ các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ cho các hoạt động của mình, và đặc biệt là do chính sách ưu tiên mà tổ chức này áp dụng cho các quốc gia đang phát triển.

Việc gia nhập IDLO sẽ mang lại thuận lợi cho Việt Nam trên nhiều phương diện: 

- Với tư cách là một nước thành viên, chúng ta được quyền cử đại diện tham gia vào các thiết chế điều hành tổ chức này; được bàn và quyết định Chiến lược, Chương trình, kế hoạch hoạt động lâu dài và hàng năm của IDLO.  

- Chúng ta sẽ được nhận các ấn phẩm tài liệu nghiên cứu, đào tạo của IDLO để phục vụ công tác cải cách pháp luật và tư pháp trong nước, đặc biệt là công tác lập pháp và  đào tạo, phát triển nguồn  nhân lực góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; 

- Một trong những lĩnh vực hoạt động nổi trội và thành công hơn cả của IDLO so với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực pháp luật như Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT) hay Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH) là cấp học bổng nghiên cứu, đào tạo tại các trung tâm của IDLO và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế/trợ giúp kỹ thuật tại các  ngay tại các quốc gia đang phát triển.  

Trong những năm qua, các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng đã được thụ hưởng khá nhiều từ các hoạt động phát triển nguồn nhân lực của IDLO. Hầu như hàng năm, các công chức của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp, pháp luật khác đều nhận được một số học bổng ngắn hạn để nghiên cứu và học tập tại IDLO. Nếu Việt Nam gia nhập UNIDROIT, chúng ta sẽ được thuận lợi hơn trong việc tham gia quyết định phân bổ nhiều hơn cho Việt Nam các học bổng nghiên cứu, đào tạo của IDLO. Các cán bộ pháp luật của Việt Nam có kinh nghiệm công tác, thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp có thể được đề cử đi thực tập, công tác ngắn hoặc dài hạn tại các trung tâm hoạt động của IDLO (Rome – Italia, Sydney – Úc, Cairo – Ai cập…).  

Quan trọng hơn, với tư cách là quốc gia thành viên IDLO, Việt Nam sẽ được ưu tiên thụ hưởng các chương trình, dự án hợp tác phát triển lâu dài của tổ chức này. Các hình thức hợp tác với IDLO rất đa dạng, phong phú, như trao đổi chuyên gia giữa Việt Nam với IDLO và tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác; tiến hành các nghiên cứu chung giữa chuyên gia quốc tế và Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho các hội thảo, các khoá đào tạo, tập huấn pháp luật ngắn và dài hạn; hỗ trợ kỹ thuật (kinh nghiệm quốc tế (chuyên gia tư vấn, tài liệu, sách báo nước ngoài, cung cấp tài chính…) cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực thiết chế thực thi pháp luật của Việt Nam v.v…. 

Hy vọng các thông tin về  IDLO và quyền lợi của quốc gia thành viên tổ chức này sẽ là hữu ích, giúp Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cân nhắc, tham khảo trong quá trình nghiên cứu gia nhập các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.    

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp 

______________________________

Bài viết có liên quan: 

Xem thêm »