Ngày 17/02/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Nghị định này quy định đối tượng, trình tự, thủ tục thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội; quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển bản sao bản án, quyết định của Tòa án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục. Trường hợp tổ chức xã hội hoặc nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải đồng gửi bản sao bản án, quyết định của Tòa án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giáo dục cư trú để quản lý, theo dõi, chỉ đạo thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 113 của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu tổ chức xã hội hoặc Hiệu trưởng nhà trường được Tòa án chỉ định giám sát, giáo dục phải triệu tập người được giáo dục và mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục đến trụ sở để thông báo việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, xã hội, nhà trường, người được giao giám sát, giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục, đồng thời yêu cầu người được giáo dục làm bản cam kết việc chấp hành. Trường hợp người được giáo dục không biết chữ thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó viết thay. Bản cam kết của người được giáo dục phải có ý kiến xác nhận của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Việc thông báo được lập thành biên bản, lưu hồ sơ thi hành và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trường hợp người được giáo dục bỏ trốn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra quyết định truy tìm và tổ chức truy tìm. Khi phát hiện người được giáo dục bỏ trốn đang bị truy tìm, cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm báo cho cơ quan Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất. Khi tiếp nhận người được giáo dục, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và đưa ngay người được giáo dục đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được giáo dục bỏ trốn để thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã ra quyết định truy tìm đến nhận, đưa người được giáo dục trở về nơi cư trú để tiếp tục chấp hành.
Nghị định cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2012 và thay thế Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Tô Hoàng