Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Bộ sẽ theo dõi, lắng nghe ý kiến nhân dân

07/08/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm qua (06/8), nhân sự kiện Bộ Tư pháp công bố Bộ Thủ tục hành chính, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, việc công bố Bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ sẽ đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp quyền tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, đầy đủ nhất các thông tin về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc công bố Bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp khi cần giải quyết những công việc hành chính liên quan đến các lĩnh vực này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

Một trong những điều kiện cơ bản để có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả là mọi quy định về các thủ tục hành chính đều phải được công khai, minh bạch để người dân biết và thực hiện. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30).

Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ khá rộng và phức tạp, liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, việc công bố Bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ có một ý nghĩa rất lớn. Nó đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp quyền tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, đầy đủ nhất các thông tin về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, nhờ đó mà tiết kiệm được thời gian chi phí xã hội, góp phần chống suy giảm kinh tế, tăng trưởng hợp lý và bền vững.

Việc công khai Bộ thủ tục hành chính cũng có tác động tích cực đến công tác xây dựng pháp luật của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và các Bộ, ngành khác nói chung. Từ nay về sau, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có chứa đựng các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan đều phải tham chiếu và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Bộ thủ tục hành chính đã công bố. Mặt khác, qua việc công bố công khai các thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, tham khảo và đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính hiện hành, qua đó góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Cuối cùng, việc công khai các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ góp phần làm trong sạch, lành mạnh hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, Ngành; hạn chế các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của các cơ quan và cán bộ, công chức ngành Tư pháp, nhất là ở cấp cơ sở.

PV:  Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp được công khai ở mức nào? Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo Đề án 30 của Chính phủ?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

Quan điểm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp là công khai toàn bộ các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp là một trong những bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, do đó có số lượng thủ tục hành chính khá nhiều. Do vậy, việc rà soát thủ tục hành chính có thể vẫn còn chưa đầy đủ, cần phải tiếp tục, nhất là đối với một số lĩnh vực có các thủ tục mới được ban hành, chưa kịp cập nhật. Bộ thủ tục hành chính được công bố lần này là những thủ tục đã thống kê được sau giai đoạn 1 thực hiện Đề án 30. Toàn bộ các thủ tục hành chính sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, kèm theo đầy đủ các mẫu hồ sơ có liên quan đến từng thủ tục để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các công việc hành chính có thể trực tiếp truy cập và áp dụng. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố Bộ thủ tục hành chính được thực hiện ở cấp huyện, xã.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp là đầu mối trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi chung về thi hành pháp luật. Do đó, ngoài việc giúp Chính phủ thống kê các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tư pháp, tiến tới ban hành Bộ thủ tục hành chính quốc gia thống nhất, thì Bộ Tư pháp còn dựa vào hệ thống thủ tục hành chính được công bố để làm cơ sở thẩm định các đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác xây dựng trong thời gian tới, đồng thời theo dõi việc thực thi các thủ tục hành chính và kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ khi cần thiết. Đây cũng là điều kiện để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan tư pháp địa phương.

PV:  Dù thủ tục hành chính có đơn giản đến đâu nhưng nếu cán bộ, công chức thực thi công vụ thiếu công tâm thì người dân vẫn có thể gặp khó khăn, phiền toái. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ có giải pháp nào để hạn chế thấp nhất sự phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường:

Đúng vậy, như chúng ta đều biết, việc công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính là giải pháp tốt nhất để hạn chế các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Do đó, tới đây Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu giúp UBND cấp tỉnh, huyện nhanh chóng hoàn tất và công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngành. Mặt khác, việc công khai Bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ cũng là cơ sở để Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, mặt trận và các đoàn thể cùng toàn thể người dân và doanh nghiệp giám sát, phát hiện và chủ động đấu tranh với những hiện tượng vi phạm của cán bộ, công chức ngành Tư pháp trong khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức cũng đóng vai trò quan trọng. Thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Ngành. Bên cạnh đó Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cán bộ từ trung ương xuống cơ sở. Đối với cán bộ khối cơ quan thi hành án, Bộ sẽ theo dõi, lắng nghe ý kiến nhân dân để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong công tác thi hành án. Đối với cán bộ các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ, với chính quyền địa phương để có những biện pháp theo dõi, chấn chỉnh.

Đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực trong hệ thống hành chính hiện nay là một công việc khó khăn, nhưng với quyết tâm của các cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Thúy (thực hiện)

Xem thêm »