Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành
Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP).
Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về kinh phí cho công tác quản lý nhà nước và giải quyết bồi thường.
Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP gồm 03 chương, 14 Điều, tập trung chủ yếu vào những nội dung sau đây:
1. Quy định chi tiết về kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường
Hàng năm, căn cứ thực tế bồi thường năm trước, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành trung ương lập dự toán, tổng hợp dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan trung ương trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét quyết định trong dự toán ngân sách trung ương; Sở Tài chính phối hợp với Sở, ban, ngành địa phương lập dự toán kinh phí bồi thường và tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định. Kinh phí bồi thường chỉ được phân bổ cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường hợp lệ. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch bổ sung trường hợp có phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo bản án, quyết định giải quyết bồi thường của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động rút dự toán chi quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao (nếu còn) để ứng chi trả cho người bị thiệt hại. Trên cơ sở kinh phí đã chi trả cho người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính bổ sung kinh phí bồi thường để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại.
Việc quy định về tạm ứng kinh phí này, một mặt bảo đảm công tác bồi thường cho người bị thiệt hại được kịp thời; mặt khác là cơ sở pháp lý để cơ quan tài chính quản lý cơ quan chi trả tiền bồi thường về chi trả tiền bồi thường.
2. Quy định chi tiết về nội dung chi cho quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:
Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp hoặc mang tính chuyên môn sâu thuộc nhiều lĩnh vực do người đứng đầu cơ quan quyết định việc lấy ý kiến; Chi định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản và giám định thiệt hại về sức khoẻ để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước; Chi họp liên ngành với các cơ quan trung ương, địa phương để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại hoặc cơ quan có trách nhiệm bồi thường yêu cầu; Chi tổ chức các đoàn công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để: xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại hoặc cơ quan có trách nhiệm bồi thường yêu cầu; theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường; theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
Đây là những nội dung mới và lần đầu tiên được quy định nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
3. Quy định về mức chi cho quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường, Thông tư liên tịch đã quy định các mức chi cho công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại phụ lục kèm theo Thông tư về các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ để xác định mức chi quản lý nhà nước về công tác bồi thường; đối với các nội dung chi cho các hoạt động quản lý nhà chuyên ngành về công tác bồi thường nhà nước chưa có quy định mức chi cụ thể thì thủ trưởng đơn vị vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành đối với các hoạt động tương tự.
Việc ban hành Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP với những nội dung cơ bản nêu trên góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đồng thời nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường.
Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP có hiệu lực từ ngày 25/6/2012.