Tài sản thuộc sở hữu chung: Gian nan chuyện cưỡng chế.

12/08/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định chấp hành viên được quyền cưỡng chế đối với các tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác, kể cả quyền sử dụng đất. Mặc dù vậy, trên thực tế câu chuyện cưỡng chế này không ít gian nan.

Tài sản chung của vợ chồng: kê biên cũng khó.

Theo bản án số 134 ngày 3/2/1999 của TANDTC ngoài việc phải chấp hành hình phạt 9 năm từ giam, Bùi Thị H. phải bồi thường cho ngân hàng nông nghiệp huyện Thanh Miện - Hải Dương số tiền gần 179 triệu đồng. Cả án phí dân sự và hình sự bị cáo này phải nộp là trên 186 triệu đồng. Để đảm bảo cho quá trình THA, Tòa án đã kê biên ngôi nhà mái bằng 3 gian là tài sản của vợ chồng H.

Xác minh điều kiện THA của H, THADS huyện Ân Thi - Hưng Yên xác định: H đang thụ hình trong trại còn chồng của H là anh Ngô Văn T đang phải nuôi 2 con nhỏ, thu nhập chính là làm ruộng nên chỉ đủ ăn, các tài sản khác không có gì. Cuối 2006, H mãn hạn tù về địa phương. Phần dân sự trong bản án chưa được thi hành thì tháng 7/2008 H mất. Khối tài sản tòa đã kê biên anh T vẫn quản lý và sử dụng.

Trước tình huống này, THADS huyện Ân Thi dự kiến kê biên ngôi nhà của vợ chồng H theo biên bản kê biên của Tòa án trước đó để đảm bảo THA. Tuy nhiên, vụ việc này có hai quan điểm khác nhau: Một luồng ý kiến cho rằng, phải thông qua Tòa án để xác định người thừa kế của H, từ đó yêu cầu người thừa kế gánh chịu nghĩa vụ. Quan điểm thứ hai lại cho rằng Tòa đã kê biên ngôi nhà nên tài sản đó do nhà nước quản lý và quyết định. Do vậy, THA cứ theo bản án mà làm.

THADS huyện Ân Thi đã có văn bản xin ý kiến của THADS tỉnh. Chấp hành viên Nguyễn Huy Hải, người trực tiếp thi hành bản án cho biết: mới đây THA tỉnh có trả lời, xác định nhà đó là tài sản chung, việc xử lý tài sản cần phân chia để xác định phần sở hữu của Bùi Thị H (bằng ½ theo Luật HN-GĐ). Sau khi xử lý được tài sản thì sẽ thanh toán lại phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người kia.

Tuy nhiên, cũng theo chấp hành viên Nguyễn Huy Hải, với vụ việc này THA phải thu hồi quyết định THA trước đó để ban hành quyết định mới, như vậy có thể hiểu là phát sinh thêm một việc, trong khi Luật THA chỉ quy định thu hồi quyết định trong trường hợp ủy thác THA. Đây là vụ kiện có nhiều tranh cãi khác nhau về việc áp dụng pháp luật.

Tài sản của con trong tài sản bố mẹ: cưỡng chế làm sao.

Năm 2004, TAND tỉnh B. xử Nguyễn Văn H tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với mức án 10 năm tù, H phải hoàn trả cho các bị hại gần 1 tỷ đồng. Mặc dù trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, H làm cho một công ty lớn, có thu nhập cao và đã từng góp công cùng bố mẹ xây một ngôi nhà 5 tầng ngay trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi xác minh, ngôi nhà mang tên bố mẹ H, và một số tài sản có giá trị trong nhà cũng vậy. Do đó, THA không thể cưỡng chế các tài sản nói trên vì không có chứng cứ chứng minh phần sở hữu của H trong tài sản chung của gia đình.

Bình luận về những vụ kiện tương tự, ông Nguyễn Đình Vượng, chấp hành viên THADS quận Hai Bà Trưng – Ha Nội cho rằng: nếu bố mẹ công nhận phần tài sản của con trong khối tài sản chung thì có thể kê biên, cưỡng chế để đảm bảo THA. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ nhiều vụ số tiền phải THA nhỏ mà khối tài sản thì lớn. Ví dụ người phải THA chỉ phải thi hành vài trăm triệu mà ngôi nhà và quyền sử dụng đất trị giá nhiều tỷ đồng. Về nguyên tắc thì vẫn cứ cưỡng chế phần tài sản đủ để THA nhưng trên thực tế thì có cưỡng chế cũng không xử lý được tài sản vì không ai đi mua vài m2 nhà trong một ngôi nhà lớn. Không bán được và người được THA cũng không muốn nhận nên việc kê biên, cưỡng chế chỉ là hình thức.

Kết

Luật THADS quy định, chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Nếu không khởi kiện thì chấp hành viên yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung để bảo đảm THA. Tương tự, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng nếu đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải THA giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong trường hợp đương sự khởi kiện để yêu cầu xác định phần sở hữu của mình thì việc THA sẽ kéo dài... không biết đến bao giờ. Bởi lẽ việc THA phải chờ vào kết quả phân chia của Tòa án. Mà quá trình tố tụng của một vụ án dân sự phải mất nhiều năm, chưa kể có nhiều vụ phải xử đi xử lại hàng chục lần.

Mặc dù vậy, với những quy định cụ thể của Luật THADS so với Pháp lệnh THADS trước đây về cưỡng chế tài sản thuộc sở hữu chung đã tạo điều kiện hơn cho chấp hành viên cũng như bảo đảm quyền lợi cho cả người được lẫn người phải THA.

T.Hằng – H.Hải

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

(Trích điều 74 Luật THADS)

Xem thêm »