Xây dựng Luật Người khuyết tật: Giúp người khuyết tật thực sự hòa nhập cuộc sống

11/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Kể từ khi Pháp lệnh về Người tàn tật (NTT) được thông qua năm 1998, đã có 2 Nghị quyết và 19 Luật chuyên ngành liên quan đến NTT được Quốc hội và UBTVQH ban hành cùng hơn 200 văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Chính phủ và các Bộ, ngành nhưng số NTT thực sự có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng, nhất là được học văn hóa, học nghề và tạo việc làm lại không nhiều.

Gần 90% chưa được học nghề

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính cả nước có khoảng 5,3 triệu NTT, chiếm trên 6% dân số cả nước. Trong đó, số NTT không biết chữ chiếm gần 36%, hầu hết người tàn tật chưa qua đào tạo nghề với tỷ lệ lên tới 97,64%. Vì vậy, đa số NTT chưa có việc làm và phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Còn theo kết quả đánh giá của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỷ lệ NTT được học nghề có cao hơn, chiếm 12,1% nhưng có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn (người khuyết tật được học nghề chủ yếu là ở thành phố). Một điểm đáng chú ý nữa là, trong NTT có việc làm thì công việc chủ yếu của họ là làm nông nghiệp, chỉ 5% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán và một số ít khác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp.

ThS Nguyễn Xuân Lập (Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH) nhận định, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho NTT còn khả năng lao động đã được chú ý nhưng chưa thực hiện được nhiều. Những người này và gia đình của họ đa phần vẫn phải tự tìm kiếm việc làm để tồn tại. Bên cạnh đó, NTT còn khả năng lao động cũng bị phân biệt đối xử, chưa được ưu tiên trong việc tiếp cận các việc làm phù hợp mà họ hoàn toàn có thể làm tốt được. Nếu NTT và người bình thường có thể làm tốt một công việc nào đó thì khả năng nhận được việc làm của NTT luôn thấp hơn. “Nhiều doanh nghiệp thường đưa ra lý do là Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc của NTT là không được vượt quá 7 giờ/ngày hoặc 42 giờ/tuần nên không thể bố trí làm việc trong doanh nghiệp theo ca 8 giờ/ngày”, ông Lập cho biết.

  Không những thế, Nhà nước, chính quyền địa phương chưa có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thoả đáng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp nhận NTT vào làm việc cũng như chưa khuyến khích tạo ra hay tổ chức những công việc phù hợp với khả năng lao động của NTT. Ngoài ra, một số quy định pháp luật về cơ sở vật chất, kinh doanh của NTT, về việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ cho việc dạy nghề tạo việc làm đối với NTT chưa thật sự hợp lý như doanh nghiệp của NTT phải có 51% lao động trở lên là NTT...

Sớm nâng Pháp lệnh lên thành Luật

Nhiều năm qua, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã tăng trưởng và phát triển liên tục, đời sống của nhân dân phát triển trong đó có NTT, với việc thực hiện tốt pháp luật về người khuyết tật. Tuy nhiên, Pháp lệnh về NTT đã qua hơn 10 năm thực hiện nên đã bộc lộ những lạc hậu chưa theo kịp với phát triển kinh tế xã hội và chưa hội nhập, hòa nhập với quốc tế trong khi Việt Nam đã ký tham gia Công ước Quốc tế về quyền người khuyết tật và tham gia các chương trình hợp tác khu vực, hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, để đảm bảo tốt nhất các quyền nhu cầu của người khuyết tật cần thiết phải nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vục người khuyết tật, trước mắt điều chỉnh nâng Pháp lệnh về NTT lên thành Luật.

Nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật như quyền con người về xã hội, văn hóa, kinh tế... giống với các chủ thể xã hội khác, dự luật người khuyết tật phải giải quyết được những vấn đề mà người khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Chẳng hạn, bổ sung và sửa đổi các chính sách giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận dịch vụ xã hội và công trình công cộng trợ giúp đời sống, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ tiếp cận theo hướng hỗ trợ để hoà nhập cộng đồng tạo điều kiện để người khuyết tật sống tại cộng đồng, gia đình hoặc sống độc lập. Đồng thời, quy định trách nhiệm gia đình, nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm quyền của người khuyết tật trong việc đến trường, tạo việc làm, vui chơi, giải trí.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát thực thi các quy định đối với các doanh nghiệp nhận không đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật làm việc, ban hành chính sách khuyết khích các doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như miễn, giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng cơ sở vật chất... của doanh nghiệp). Có thế, mới đảm bảo bình đẳng trong tuyển dụng, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo môi trường tiếp cận để người khuyết tật làm công việc như những người bình thường khác.

Hoàng Thư

Xem thêm »