Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội ban hành năm 2008 có (hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động Thi hành án dân sự. Tiếp theo đó ngày 9/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý Thi hành án dân sự,cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.
Theo đó, Bộ Tư pháp thống nhất quản lý về hoạt động và tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự, theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Qua hơn ba năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì cũng có nhiều vấn đề cần tiếp tục được thể chế hóa để bảo đảm cho việc thi hành Luật được tốt hơn, cụ thể là lĩnh vực về Tổ chức cán bộ nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Trong những tháng cuối năm 2012, cùng với phòng trào thi đua về đích sớm của ngành Tư pháp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tổng cục Thi hành án dân sự với trách nhiệm được giao xây dựng các văn bản hướng dẫn về công tác thi hành án dân sự, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị hữu quan trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành 3 văn bản làm cơ sở pháp lý quan trọng trong lĩnh vực công tác cán bộ như sau:
1. Thông tư số 09/2012/TT-BTP ngày 01 tháng 9 năm 2012 của Bộ Tư pháp Quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức công chức lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự; lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự.Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2012.
Thông tư gồm 5 Chương, 37 Điều và 09 mẫu phụ lục đính kèm. Quy định chi tiết trình tự,các bước làm quy trình và các bước chuẩn bị hồ sơ tài liệu có liên quan trong công tác cán bộ.
Thông tư số 09/TT-BTP ngày 01 tháng 9 năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng nêu Quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức ; Thông tư được xây dựng chặt chẽ từng bước góp phần minh bạch công tác cán bộ, tạo niềm tin cho công chức, tạo động lực phấn đấu cho công chức.
2. Thông tư số 10/2012/TT-BTP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tư pháp quy định tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp.
Thông tư gồm 03 Chương, 22 Điều. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2012.
Thông tư được ban hành nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương thi tuyển Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, qua đó tuyển chọn được những người đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công chức nhằm đạt hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.
3. Quyết định số 2785/QĐ-BTP ngày 25 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Phê duyệt cơ cấu tổ chức Cục Thi hành án dân sự, số lượng Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo Phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự và Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự.
Quyết định số 2785/QĐ-BTP gồm 6 Điều. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 25/10/2012).
Quyết định số 2785/QĐ-BTP là cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự, nâng cao vị thế xứng tầm nhiệm vụ, việc Bộ trưởng phê duyệt cơ cấu tổ chức Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 04 Phòng chuyên môn trong đó có Phòng Tổ chức cán bộ, góp phần để công tác cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án "vừa hồng vừa chuyên" đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp nặng nề.
Trần Minh Phượng-Tổng cục THADS