Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

19/11/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 15/11/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Theo Nghị định này điều kiện đối với người đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện đang cư trú tại cộng đồng: Là người nghiện chất dạng thuốc phiện; có nơi cư trú rõ ràng; tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ  16 tuổi, chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó; không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Đối với  người nghiện chất dạng thuốc phiện đang được quản lý tại cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện phải có điều kiện sau: Là phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên, học sinh đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện ngoài cộng đồng bị đưa vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam;  tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.

Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị công lập đối với các đối tượng sau đây: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật trên 81%; Người nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Nghị định cũng quy định công chức, viên chức trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám và điều trị cho người bệnh tại cơ sở điều trị công lập được hưởng mức phụ cấp bằng 70% mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có; công chức, viên chức làm công tác hành chính, tư vấn, dược và viên chức trực tiếp làm công việc cấp phát thuốc cho người bệnh tại cơ sở điều trị công lập được hưởng mức phụ cấp bằng 30% mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.

Thuốc sử dụng cho điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được quản lý theo quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và các quy định

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Bãi bỏ Khoản 5 Điều 2 và Điều 10 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Tô Hoàng

Xem thêm »