Hoạt động giám sát năm 2010: Cần tập trung vấn đề lao động Việt Nam ở nước ngoài

01/10/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 30/9 phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010. Trước đó, Thường vụ đã cho ý kiến về Dự án Luật Dân quân tự vệ.

Chưa nên giám sát thực hiện kích cầu

Trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đưa ra 4 chuyên đề (đề nghị lựa chọn 2) để Quốc hội thực hiện giám sát năm 2010. Đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về: quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai; đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; về quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội từ 2006 đến 2010; và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước thực hiên chính sách kích cầu và tiêu dùng của Chính phủ.

Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tờ trình nêu 3 chuyên đề để giám sát là tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2006- 2010; kết quả triển khai, thực hiện chương trình 135 giai đoạn II (2006- 2010); việc thực thi pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội không đồng tình với việc giám sát thực hiện chuyên đề về đất đai vì cho rằng đó là vấn đề rất lớn. “Cần phải khoanh lại, chỉ nên giám sát vấn đề về quy hoạch sân golf”. Ông Thuận đề nghị. Một chuyên đề khác ông Thuận đồng tình là vấn đề về sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng chuyên đề về đất đai là cần thiết nhưng nên tập trung vào nội dung lãng phí trong quản lý và sử dụng đất.

“Quốc hội chỉ nên giám sát một chuyên đề”, ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội đề nghị. Và chuyên đề được ông Bình chỉ ra không nằm trong đề nghị của Văn phòng Quốc hội, đó là thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Ông Bình cũng cho rằng, ở thời điểm này chưa nên giám sát việc thực hiện chính sách kích cầu vì đó là vấn đề rất mới.

Phần lớn các Thường vụ đồng tình với ông Bình chưa nên giám sát thực hiện chính sách kích cầu.

Lao động Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề bức xúc.

Nhiều Thường vụ có chung quan điểm, đây là chuyên đề rất cần được đưa vào chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cung cấp, Việt Nam đưa lao động ra nước ngoài từ những năm 1990, hiện có khoảng 50 ngàn lao động Việt Nam đang ở 40 vùng khác nhau. Bên cạnh các nước là thị trường truyền thống như Hàn Quốc còn nhiều thị trường mới như Quata, Malayxia…. Việt Nam cũng đang hướng tới 1 triệu lao động ra nước ngoài. “rất cần giám sát vấn đề này”, bà Mai đề nghị.

Ủng hộ bà Mai, tuy nhiên ông Trần Thế Vượng đề nghị cần giám sát cả vấn đề lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Hai Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Tòng Thị Phóng lại đề nghị giám sát tối cao đối với việc thực hiện pháp luật trong thành lập đầu tư chất lượng đào tạo Đại học và sau Đại học, vì cho rằng nội dung này hiện đang có nhiều bức xúc.

Riêng với chuyên đề về cải cách hành chính còn nhiều ý kiến khác nhau. Các ý kiến đồng tình đề nghị nên bó hẹp lại vì nội dung này rất mênh mông, dàn trải.

Không lập Quỹ Quốc phòng an ninh

Cho ý kiến vào Dự án Luật Dân quân tự vệ, vấn đề lớn nhất các thường vụ tập trung thảo luận là tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. Trước đó, tại phiên họp thứ 21 vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngày 24/9/2009 tại văn bản số 271 thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về các Dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, riêng Luật Dân quân tự vệ, Bộ Chính trị kết luận nên cân nhắc thiết kế lại nội dung quy định về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp và không đưa quy định về lập Quỹ Quốc phòng an ninh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Dự thảo nói trên đã bỏ quy định về lập Quỹ Quốc phòng an ninh. Đồng thời đưa ra hai phương án về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp. Theo đó, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp có quy mô lao động, tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp, việc tổ chức dân quân tự vệ trong doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền quy định.

Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức lực lượng tự vệ, thì người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân địa phương nơi họ cư trú.

Phần lớn các Thường vụ nhất trí cao với phương án nói trên, tuy nhiên cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số câu từ cho phù hợp.

Đông Bình

Xem thêm »