Ngày 22/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị định gồm 6 chương, 28 điều quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.
1. Về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Theo quy định của Nghị định này thì việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán phải được thực hiện bằng hợp đồng giữa các bên liên quan, trong đó xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bên theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.
Việc sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán được quy định tại Điều 11 của Nghị định. Theo đó, chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dục thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán. Chủ tài khoản có thể ủy quyền có thời hạn cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán nhưng việc ủy quyền phải bằng văn bản.
Tài khoản thanh toán sẽ được tạm khóa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Việc chấm dứt phong tỏa tài khoản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết.
2. Về dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán
Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng bao gồm: cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng bao gồm: dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và một số dịch vụ thanh toán khác.
Dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán và các dịch vụ trung gian thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng các điều kiện: (i) có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh, trong đó hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính; (ii) có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt; (iii) có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng; (iv) người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách, đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm; (v) các điều kiện về kỹ thuật, nghiệp vụ (cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính…).
Nghị định còn quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tổ chức được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/3/2013 và thay thế cho Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.