Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây gọi là Quyết định).
Việc ban hành Quyết định có một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cho người dân được tiếp cận và sử dụng pháp luật ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm bảo vệ và phát huy quyền con người trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên chúng ta đã có được công cụ đánh giá một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để từ đó có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.
Nội dung Quy định ban hành kèm theo Quyết định gồm 15 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; mục đích; nguyên tắc thực hiện; các tiêu chí tiếp cận pháp luật; điều kiện, quy trình đánh giá và công bố kết quả công nhận, xếp hạng, biểu dương địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.
Theo Quy định có 08 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, gồm 41 chỉ tiêu với tổng số điểm là 1.000 điểm. Cụ thể: Tiêu chí 1 về giải quyết các vụ việc hành chính, tư pháp, gồm 12 chỉ tiêu; Tiêu chí 2 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, gồm 02 chỉ tiêu; Tiêu chí 3 về phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm 06 chỉ tiêu; Tiêu chí 4 về trợ giúp pháp lý, gồm 05 chỉ tiêu; Tiêu chí 5 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, gồm 05 chỉ tiêu; Tiêu chí 6 về thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội, gồm 06 chỉ tiêu; Tiêu chí 7 về bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật, gồm 02 chỉ tiêu; Tiêu chí 8 về kinh phí và cơ sở vật chất, gồm 03 chỉ tiêu.
Quyết định đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trong toàn quốc; hướng dẫn thực hiện Quyết định này trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chiến lược xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật và các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở có sự tham gia phối hợp, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ về việc xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật trong phạm vi toàn quốc; công bố kết quả xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu biểu về tiếp cận pháp luật và kết quả xếp hạng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tiếp cận pháp luật vào dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung tiêu chí về tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nhằm góp phần thực hiện toàn diện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 đã xác định việc tổ chức thực hiện tốt Quyết định này khi được ban hành là một trong những nội dung thuộc 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/03/2013. Thời hạn được tính để đánh giá địa phương bắt đầu từ ngày 01/07/2013.
Cục Trợ giúp pháp lý