PGS.TS. Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp: “Ngành Tư pháp sẽ đạt được những kỳ vọng trong năm 2010!”

07/01/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

PV: Bước sang năm mới 2010, nhìn lại 1 năm công tác, ông có thể chỉ ra những khó khăn mà Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp phải vượt qua để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị?

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Phải nói rằng năm 2009 vừa qua, đất nước ta nói chung, ngành Tư pháp nói riêng gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực tới việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của mình. Cùng những khó khăn khách quan phải kể đến các khó khăn chủ quan, như khối lượng công việc của ngành Tư pháp ngày càng tăng tỷ lệ thuận với yêu cầu chất lượng, trong khi đó đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng cán bộ tư pháp ở cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ; sự chưa tương xứng giữa thẩm quyền được phân cấp với năng lực, khả năng của cán bộ ở địa phương.

Công tác tư pháp hướng về cơ sở không còn là chủ trương, mà đã trở thành hiện thực sống động trong thời gian qua và đặc biệt là trong năm 2009, do đó, việc cán bộ, công chức phải bám sát cơ sở là một yêu cầu nội tại của công tác tư pháp. Tuy nhiên, do công tác của Bộ có liên quan nhiều đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương, do đó, vấn đề phân bổ hài hoà lực lượng cán bộ để giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô, cũng như bám sát, lắng nghe ”hơi thở cuộc sống” từ cơ sở cũng là một vấn đề vô cùng khó khăn

Bên cạnh đó, mặc dù công tác tư pháp đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan khác nhau hay nói một cách khác - sức mạnh của ngành Tư pháp chính là nghệ thuật của sự phối hợp nhưng việc phối hợp bài bản cũng đang là một khó khăn lớn, ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết công việc.

Song trong khó khăn như vậy, tập thể Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ đã rất đoàn kết, phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, làm việc khá ”đều tay” với một tinh thần trách nhiệm cao, nên hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngành khá toàn diện, sâu sát; nhiều mặt công tác của Ngành đạt kết quả cao so với những năm trước, nhất là trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

PV: Tháng 12 vừa qua, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương về công tác xây dựng VBQPPL. Xin ông cho biết, những yếu tố nào đã giúp Bộ Tư pháp đạt được vinh dự đó khi Bộ đang có sự “thiếu cân bằng” giữa số lượng cán bộ, công chức (CBCC) và khối lượng VB phải xây dựng?

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Có thể khẳng định thành tích trong hoạt động xây dựng VBQPPL trong năm 2009 là thành quả chung của CBCC trong toàn Ngành. Việc Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và tuyên dương thành tích của Bộ Tư pháp về công tác xây dựng VBQPPL là nguồn động viên to lớn đối với toàn Ngành.

Trong điều kiện lực lượng cán bộ xây dựng pháp luật của Bộ còn mỏng như đã nêu trên mà chúng ta hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn là một điều đáng tự hào. Đó là nhờ rất nhiều yếu tố mà trước tiên phải kể đến là sự đoàn kết, chung sức chung lòng; phương pháp tổ chức công việc khoa học và bài bản; quyết liệt và sát sao trong chỉ đạo điều hành; sâu sát trong kiểm tra; kịp thời trong hướng dẫn, những vấn đề khó khăn hoặc mới nảy sinh đã được phát hiện đúng và kịp thời chỉ đạo giải quyết làm cho công việc được trôi chảy. Thứ hai, là nhờ tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề mới nảy sinh đã kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo. Thứ ba, xây dựng pháp luật trong 2 năm gần đây luôn luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan hệ phối hợp công tác được đẩy mạnh với những cách thức phù hợp.

Tuy vậy, sự khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng VBQPPL cũng đặt ra sự lo lắng làm thế nào để giữ vững được thành tích đã đạt được trong các năm tiếp theo, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với chúng ta.

PV: Năm 2009 cũng được coi là năm “chuyển mình” của nhiều lĩnh vực trong ngành Tư pháp như THADS, bổ trợ tư pháp, hợp tác quốc tế, đào tạo…, ông có thể bình luận khái quát về những thành tựu này?

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Nếu chỉ cho rằng, năm 2009 cũng được coi là năm “chuyển mình” của nhiều lĩnh vực trong ngành Tư pháp là chưa đủ. Theo tôi, phải coi năm 2009 là năm đột phá trên các lĩnh vực công tác của Bộ. Đó là một kết quả tất yếu của một cách làm việc khoa học và bài bản mà Bộ đã theo đuổi từ nhiều năm nay. Có thể thấy rằng công tác tư pháp năm 2009 được toàn Ngành triển khai có trọng tâm, trọng điểm.

Trong năm 2009, mặc dù phải tập trung vào việc hoàn thiện thể chế và hướng dẫn triển khai thực hiện Luật THADS năm 2008, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, công tác THADS vẫn được coi trọng, nên THA vẫn đạt được kết quả tốt, tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc và về tiền đều vượt chỉ tiêu và tăng so với năm ngoái. Năm 2009, về việc đạt 81% (tăng 2,29% so với cùng kỳ năm 2008) số án có điều kiện thi hành; về tiền đạt 70,3% số tiền có điều kiện thi hành (tăng 1.491 tỷ 242 triệu 327 nghìn đồng so với năm 2008).

Chúng ta đã tham mưu kịp thời trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác luật sư (LS), phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thành công Đại hội đại biểu LS toàn quốc lần thứ nhất, bầu ra Liên đoàn LS toàn quốc; nghiên cứu việc thành lập tổ chức đảng của Liên đoàn LS Việt Nam và hướng dẫn thành lập tổ chức đảng ở các đoàn LS; tạo được chuyển biến bước đầu, có nhiều hứa hẹn về tương lai phát triển của nghề LS ở nước ta.

Năm 2009 cũng là năm chúng ta đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng. Sự ra đời của các Văn phòng Công chứng đã góp phần đáp ứng nhu cầu chứng nhận các hợp đồng và giao dịch của người dân. Bộ cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về nhà, đất của hộ gia đình, cá nhân từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, Bộ đang xúc tiến việc quy hoạch để ”vẽ” được Bản đồ công chứng của Việt Nam dựa trên các yếu tố cơ bản: dân số, lãnh thổ, mật độ giao dịch dân sự trong nền kinh tế thị trường đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội.

Bộ cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo nên triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, chúng ta đã hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền các Đề án xây dựng các cơ sở đào tạo (Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp). Hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch đào tạo năm 2010 và 5 năm 2011-2015 của Bộ Tư pháp (công tác đào tạo Cử nhân luật và Trung cấp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Trung cấp Luật Buôn Mê Thuột). Trong năm 2009 vừa qua, Bộ đã tập trung cao triển khai thực hiện Đề án thành lập trường trung cấp luật Buôn Ma Thuột ở tỉnh Đắc Lắk. Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu học và tổ chức tuyển sinh khoá học đầu tiên của Trường; phối hợp với tỉnh Hậu Giang chuẩn bị thành lập Trường Trung cấp luật tại tỉnh này...

PV: Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng ngành Tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Theo ông, ngành Tư pháp phải làm gì để có thể giải quyết dứt điểm hoặc hạn chế tối đa những tồn tại đó trong năm mới - năm đánh dấu 65 năm trưởng thành của ngành?

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Câu hỏi này quả là khó trả lời vì không một cá nhân nào có thể khẳng định việc giải quyết dứt điểm các hạn chế, bất cập chỉ trong một năm. Tôi thừa nhận hoạt động của Ngành trong năm 2009 còn nhiều tồn tại và thách thức mà rồi đây trong Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2009 tới đây, chúng ta sẽ có dịp phân tích, mổ xẻ để tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại và đề xuất các giải pháp khắc phục trong năm 2010.

Nhưng có thể kể ra một số bất cập như hệ thống pháp luật của ta chưa đồng bộ, không thống nhất, còn có lĩnh vực bỏ trống chưa được pháp luật điều chỉnh thì cũng đã phần nào thể hiện chất lượng công việc của ngành - với tư cách là người thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế, công tác THADS vẫn những đột phá để nâng cao chất lượng, giảm số lượng án tồn đọng và giảm bớt khiếu kiện trong THADS, thực hiện được tư tưởng xuyên suốt trong công tác THADS là lấy sự hài lòng của người dân để làm tiêu chí đánh giá chất lượng công tác, cán bộ tư pháp cơ sở vẫn chưa theo kịp yêu cầu hội nhập...

Năm 2010 là năm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành, Bộ sẽ tổ chức cuộc Tổng kết lớn về chặng đường 65 năm của mình trên các mặt công tác để nhìn rõ những bất cập, hạn chế làm chủ được những vấn đề tồn tại và có giải pháp để từng bước khắc phục.

PV: Một năm công tác đã kết thúc, trước thềm năm mới 2010, với tư cách Thứ trưởng Thường trực, ông có kỳ vọng như thế nào đối với công tác tư pháp nói chung và hoạt động của Bộ Tư pháp nói riêng?

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên: Trước thềm năm 2010, với tư cách là Thứ trưởng, tôi cầu chúc và kỳ vọng Bộ Tư pháp, công tác tư pháp đạt được nhiều thành tích hơn năm 2009, vị thế của ngành Tư pháp trong xã hội được tiếp tục khẳng định và nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào hoạt động của Bộ, của Ngành. Với hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, ngành Tư pháp sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Với 65 năm phát triển, có những bước trưởng thành vượt bậc về đội ngũ CBCC, tổ chức bộ máy, kinh nghiệm công tác và uy tín trong xã hội, là những căn cứ thực tế để tin tưởng vào việc ngành Tư pháp sẽ đạt được những kỳ vọng trong năm mới 2010./.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hương Giang

Xem thêm »