Xây dựng Luật Viên chức: Lương viên chức phụ thuộc vào cơ chế cơ quan

11/01/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Cán bộ, công chức đã xác định lại những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Như vậy, đối với những người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là cán bộ, công chức theo quy định mới vẫn tiếp tục áp dụng các quy định hiện hành để tiếp tục thực hiện cho đến khi ban hành Luật Viên chức.

Được thành lập công ty, doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân

Luật Viên chức (10 Chương 92 Điều) hiện nay đang trong quá trình lấy ý kiến và dự kiến sẽ có hiệu lực từ 01/01/2011. Đối tượng điều chỉnh của Luật là những người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập mà không phải là cán bộ, công chức theo quy định mới của Luật CB-CC. Vì thế, Điều 2 của Luật Viên chức định nghĩa, viên chức “là người được tuyển dụng, bổ nhiệm một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập theo vị trí việc làm và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Viên chức được phân loại theo hai căn cứ trình độ đào tạo và vị trí. Theo đó, viên chức loại A là viên chức có trình độ đào tạo giáo dục đại học và sau đại học, viên chức loại B là viên chức có trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và viên chức loại C là viên chức có trình độ dưới có trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Phân loại theo vị trí có viên chức quản lý và viên chức thừa hành. Khác với viên chức thừa hành (được cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc chấp hành các nhiệm vụ gắn liền với chuyên môn, nhiệm vụ), viên chức quản lý là viên chức được bổ nhiệm giữ một chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp quản lý. Làm việc trong sự nghiệp công lập nên tiền lương của viên chức được trả theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập. Còn các khoản khác như tiền làm thêm giờ, làm đêm, công tác phí thì theo quy định của pháp luật.

Khác với công chức, bên cạnh công việc chính (việc trong giờ hành chính), viên chức có nhiều quyền tham gia các hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ hơn. Cụ thể, viên chức được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành các DNTN, công ty TNHH, công ty cổ phần, HTX, bệnh viện tư...; được làm tư vấn cho các DN, tổ chức kinh doanh, dịch vụ về các công việc có liên quan đến nghề nghiệp; được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, DN và đơn vị sự nghiệp khác.

Xung đột, hay khó hiểu?

Khi xem xét hai dự thảo Luật Viên chức và Nghị định quy định những người là công chức trong mối tương quan chung với Luật CB-CC, có một vấn đề mà ai cũng nhận ra là những quy định nhằm xác định công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập ở cả 2 dự thảo dường như có sự xung đột pháp luật, nếu không thì cũng rất khó hiểu ở kỹ thuật lập pháp. Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định những người là công chức quy định các đơn vị sự nghiệp công lập có công chức nhưng chỉ giới hạn ở các vị trí lãnh đạo (Khoản 1, 2 Điều 6) và cùng với đó cũng định nghĩa luôn đơn vị sự nghiệp công lập “là các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, lao động - thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định” (Khoản 3 Điều 6). Nhưng nếu đem so với dự thảo Luật Viên chức thì ngoài y hệt như định nghĩa trên (Điều 10), Luật còn phân các đơn vị này ra thành 3 loại căn cứ theo nguồn thu: tự đảm bảo chi phí hoạt động; tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động; và hoàn toàn do ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm (Khoản 1 Điều 8).

Và đi cùng với các quy định đó là các khái niệm về viên chức hoặc liên quan đến viên chức như: là người được tuyển dụng, bổ nhiệm một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập theo vị trí việc làm; phân loại theo vị trí có viên chức quản lý và viên chức thừa hành; tiền lương của viên chức được trả theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập...

Như vậy, khi xâu chuỗi các quy định của cả hai dự thảo này lại, rất nhiều người đã và đang nhận thấy rằng dường như đang tồn tại sự xung đột pháp luật, nếu không thì cũng rất khó hiểu ở kỹ thuật lập pháp. Bởi nếu hiểu theo dự thảo Nghị định, đơn vị sự nghiệp công lập có công chức (tuy nhiên chỉ giới hạn ở vị trí lãnh đạo), còn nếu hiểu theo dự thảo Luật Viên chức thì đơn vị sự nghiệp công lập dù căn cứ theo nguồn thu nào cũng chỉ có viên chức (lãnh đạo và thừa hành) mà không có công chức. Được biết, một trong những khó khăn mấu chốt nhất của tiến trình đưa Luật Cán bộ, công chức vào đời sống là việc xác định ai là công chức. Bởi hiện nay có rất nhiều chức danh khác nhau trong các cơ cấu tổ chức, cơ quan khác nhau, thậm chí có một số chức danh tồn tại trong các cơ quan có thu nhưng vẫn thực thi quyền lực Nhà nước.... Phải chăng đây cũng là hệ quả của việc thiếu sự lượng hóa khi tiến hành xây dựng luật?

Xuân Hoa

Xem thêm »