Luật BHXH là một trong những Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI ngày 29/6/2006 và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh số 13/2006/L-CTN ban hành ngày 12/7/2006. Việt Nam đang trong quá trình gia nhập WTO cho nên việc ban hành Luật BHXH là cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Luật BHXH gồm 11 chương 141 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, dưới đây là một số điểm mới so với các qui định về BHXH trước kia:
Thứ nhất: Ngoài hình thức BHXH bắt buộc, việc mở rộng hình thức BHXH tự nguyện và hình thức BH thất nghiệp, đã được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật BHXH là đổi mới quan trọng trong chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước ta để tiến tới BHXH cho mọi người lao động ở bất cứ thành phần kinh tế nào cũng đều có nghĩa vụ tham gia và thụ hưởng những quyền lợi về chế độ BHXH đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. BHXH tự nguyện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2008 còn BHXH thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009.
Thứ hai: Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước qui định mức bình quân của tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến trước ngày Luật BHXH có hiệu lực trước khi nghỉ hưu được qui định tại mục 4 điều 59 như sau“ Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31-12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền luơng tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01tháng 01 năm 2001 đến ngày 31-12-2006 thì tính bình quân của tiền luơng tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu” (Đối với ngưòi lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì cách tính lương hưu vẫn như qui định hiện hành).
Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH, từ ngày Luật BHXH có hiệu lực được qui định tại điều 60 mục 1: “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước qui định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu”.
Thứ ba: Tại khoản 1 điều 50 mục 4, Luật BHXH đã bổ sung quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện nghỉ hưu là 20 năm, thay vì 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ như trước đây
Thứ tư: Luật không khống chế số tháng được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu mà “Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương,tiền công tháng đóng BHXH” – Khoản 2 điều 54.
Thứ năm: Đối với chế độ ốm đau, Luật BHXH còn qui định thêm trường hợp cả cha mẹ cùng tham gia BHXH nếu một bên đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng thêm chế độ qui định về thời gian nghỉ việc (Khoản 2 điều 24)
Ngoài ra Luật BHXH cũng không khống chế việc con nhỏ ốm đau cha mẹ phải nghỉ việc, chỉ thực hiện với đưa con thứ nhất và đứa con thứ hai…
Những điểm mới được quy định tại Luật BHXH là phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Nghị quyết Trung ưong Đảng trong việc đổi mới chính sách tiền lương, đổi mới chính sách BHXH. Gắn việc đóng BHXH với hưởng thụ BHXH dựa trên nguyên tắc có đóng có hưởng đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, là thể hiện tính công bằng, minh bạch và công khai Luật BHXH trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
(Theo website Đảng Cộng sản)