Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra kiêm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: “Cần phải kiểm soát số dư tài khoản”

14/12/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Kê khai tài sản là một trong những giải pháp kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn song mức độ công khai còn hạn chế. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lượng – Phó Tổng Thanh tra kiêm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP).

- PV: Chủ trương công khai bản kê tài sản của cán bộ đã được ban hành, vậy tại sao vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành và TTCP đã xác minh đến đâu những trường hợp đã kê khai về tính trung thực, thưa ông?

* Trước hết, tôi phải nói lại cho rõ là theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước, hồ sơ cán bộ được quản lý theo chế độ tài liệu mật mà bản kê khai tài sản thì thuộc về hồ sơ cán bộ nên không phải ai cũng được mang bản ra để xem. Tuy nhiên, Nghị quyết TW 3 khoá X của Đảng có định hướng từng bước công khai bản kê khai tài sản, theo đó đối với Đảng viên là công khai bản kê ở chi bộ, cấp ủy. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng có đề cập tới một việc công khai nữa là công khai kết quả xác minh kê khai tài sản. Tại Nghị định 37 hướng dẫn Luật đã quy định rất chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền xác minh, nội dung, thời điểm, địa điểm, thẩm quyền cho phép công khai kết quả xác minh…

Qua thống kê của TTCP, đến thời điểm hiện nay có 32 bộ, cơ quan Trung ương và mới có 26 địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản thu nhập năm 2008, có hơn 388 nghìn người kê khai lần đầu và trên 238 nghìn người kê khai bổ sung. Về tính trung thực, cũng có trường hợp không trung thực nhưng do chủ yếu phục vụ cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ công chức hoặc những trường hợp có đơn thư tố cáo kê khai không trung thực nên tỷ lệ xác minh chưa cao. Còn tỷ lệ người đã kê khai so với đối tượng phải kê khai thì TTCP chưa thống kê được và đang phối hợp với Bộ Nội vụ để “chốt” được danh sách này. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, ít nhất là đạt tỷ lệ 80%, có nhiều cơ quan đã kê khai 100%.

- Theo ông, những trường hợp mà tài sản mang tên một người song thực chất của người khác để rồi không kê khai thì có phải là không trung thực?

* Trong kê khai tài sản có một nguyên tắc được đề cao là tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai. Vì trong quản lý tài sản của ta từ xe máy, đất đai, nhà cửa đến những tài sản khác có có thực trạng thế này: tài sản của anh A giấy tờ mang tên anh B nhưng sở hữu thực vẫn là anh A. Hiện nay, có nhiều bản kê khai tài sản kê như vậy. Có một đồng chí tổng giám đốc kê khai có 4 ngôi nhà nhưng chỉ 1 cái mang chính tên của mình, còn lại đứng tên mẹ, em ruột và mang tên người khác. Việc không kê khai những tài sản kiểu này có thể một phần là do nhận thức chưa đủ.

- Được biết, TTCP đang dự thảo văn bản hướng dẫn Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ về các nhóm đối tượng phải kê khai tài sản. Xin ông cho biết rõ hơn?

Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn xác định có 11 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 85 về nhóm đối tượng phải kê khai nên đã triển khai tương đối tốt ở các cấp, các ngành. Vì vậy, TTCP sẽ có hướng dẫn thực hiện Quyết định 85 của Thủ tướng, cụ thể hóa một số điểm như người đại diện phần vốn nhà nước ở các công ty cổ phần có phải kê khai không, thống nhất nhận thức về quản lý bản kê khai của các đối tượng thuộc diện cấp ủy quản lý, khái niệm người trực tiếp tiếp xúc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp là những người nào, cơ chế phối hợp giữa các ngành nhằm giúp địa phương tránh lúng túng trong quá trình triển khai…

- Có dư luận cho rằng đã có không ít người Việt mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài nhằm mục đích “rửa tiền”. Ông nhận định sao về ý kiến trên?

* Một trong những nội dung quan trọng của kê khai tài sản là bất kỳ số dư tài khoản là bao nhiêu cũng phải kê khai. Đây chính là yếu tố cần phải kiểm soát. Tất nhiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhưng tôi chắc rằng các nước khác kiểm soát được số dư thì mình cũng sẽ kiểm soát được miễn là giải quyết được bài toán hợp tác và thực hiện tốt nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

- Xin cảm ơn ông!

Cẩm Vân

Xem thêm »