Ngày 10/5/2013, Chính phủ ban hành
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó quy định cụ thể về làm thêm giờ đối với người lao động.
Theo Nghị định này số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; không quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.
Các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm bao gồm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hành dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước; Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
Cũng theo Nghị định này thời gian nghỉ giữa giờ làm việc được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 08 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 06 giờ trong trường hợp rút ngắn. Người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được tính nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.
Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm bao gồm: Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết; thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động; Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương; Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cộng dồn không quá 6 tháng; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định; nghỉ đẻ hoạt động công đoàn; ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc; thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do đwọc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2013./.
Tô Hoàng