Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải tuân theo các nguyên tắc sau: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn; Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch; Đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận; Đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; Gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Đối với việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp thì phải đảm bảo nguyên tắc:
Doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được chủ sở hữu giao và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.
Doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực này không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Doanh nghiệp không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Giám đốc (Phó Giám đốc) và kế toán trưởng doanh nghiệp đó.
Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp còn bị hạn chế các hình thức nhận góp vốn đầu tư như sau: Công ty mẹ không được nhận vốn góp đầu tư của công ty con và Công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty hạch toán phụ thuộc không được góp vốn cùng công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới, không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa công ty con khác trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.