Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 9:

28/08/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong ngày làm việc cuối cùng (25-8), Hội nghị đại biểu QH chuyên trách tiếp tục thảo luận xây dựng Bộ luật Thi hành án (THA).

Đáp lại các tranh luận nhiều chiều về tính đặc thù của mỗi loại hoạt động THA, đòi hỏi phải có những cơ chế vận hành khác nhau, nhiều đại biểu đề nghị xây dựng 3 dự án luật riêng, tương ứng với 3 lĩnh vực: THA hình sự, THA dân sự và THA hành chính. Bởi, theo các đại biểu, tính chất và thủ tục THA của các loại việc nói trên rất khác nhau: THA hình sự có phạm vi rộng, đa dạng và đặc điểm cơ bản là mang tính bắt buộc, cưỡng chế. Trong khi đó, THA dân sự mang tính tự nguyện, theo yêu cầu của các bên. Trên cơ sở thực tiễn thi hành 3 đạo luật này sẽ tổng kết, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, toàn diện, đồng bộ hệ thống pháp luật về THA, nếu thấy được mới xây dựng thành một Bộ luật THA chung.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng xây dựng bộ luật chung hay các đạo luật riêng không quan trọng mà vấn đề là quy định nội dung sao cho phù hợp với điều kiện của đất nước, nhu cầu thực tế ở cơ sở và có hiệu quả pháp lý cao. Vẫn có thể xây dựng bộ luật THA điều chỉnh tất cả các lĩnh vực THA; trong đó cấu tạo thành các phần riêng quy định về trình tự, thủ tục THA hình sự, án dân sự và án hành chính.

Các đại biểu đã nhất trí giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THA. Song, trong việc thực thi cụ thể, nhiều đại biểu đề nghị giữ mô hình tổ chức như hiện nay, chỉ cần đổi mới trong công tác quản lý. Nguyên nhân chính là do lĩnh vực THA hình sự có nhiều loại hình phạt, hiện nay việc thi hành các loại hình phạt này do nhiều cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện như Bộ CA, Bộ Quốc phòng, UBND các cấp. Nếu dồn ngay tất cả công việc này để Bộ Tư pháp thực hiện sẽ không bảo đảm tính khả thi. Hơn nữa, việc thay đổi mô hình tổ chức cơ quan THA có liên quan đến việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan trong bộ máy Nhà nước và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan này nên cần được đặt trong tổng thể về cải cách bộ máy Nhà nước, nhất là cải cách tư pháp. Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đồng bộ trong tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước; gắn hiện quả của công tác THA với yêu cầu bảo đảm an ninh, TTATXH.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, đòi hỏi Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Các đại biểu cũng đề nghị không nên vội vàng, mà cần có sự tổng kết, đánh giá tổng thể công tác THA thời gian qua làm căn cứ thực tế cho việc xây dựng bộ luật nên Bộ luật THA khó có thể được thông qua tại kỳ họp QH lần thứ 10 sắp diễn ra.

Tổng kết và bế mạc Hội nghị đại biểu QH chuyên trách lần thứ 9, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tinh thần nhiệt tình, thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu trong quá trình góp ý kiến xây dựng dự án luật. Chủ tịch QH cũng yêu cầu Ban soạn thảo tập trung tổng kết, đánh giá vấn đề trên cơ sở thực tiễn, tiếp thu chân thành ý kiến của các đại biểu và học tập một cách có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Làm sao để đạo luật khi ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước và bảo đảm vững chắc ANCT, TTATXH.

(Theo Hà nội mới)

Xem thêm »