Ngày 01/8/2024, tại trụ sở Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc để trao đổi, thống nhất về một số hoạt động phối hợp về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2024 và thời gian tới.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và TS Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tham dự, chủ trì buổi làm việc.
Đánh giá về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và các chương trình, đề án của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Hiệp hội cho biết, tính đến tháng 5/2024 cả nước có 920.000 doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98%, phân loại theo lĩnh vực nghề nghiệp thì doanh nghiệp dịch vụ chiếm khoảng 66,8%, doanh nghiệp nông lâm thủy sản khoảng 1,4% và doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp khoảng 31,8%. Hiện nay Hiệp hội có khoảng 77.000 hội viên, và để thu hút các doanh nghiệp hội viên, các Hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý trên một số bình diện như tuyên truyền mạnh mẽ chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; bám sát phạm vi và chức năng của các Hiệp hội để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; tạp lập và kết nối các nguồn lực hỗ trợ pháp lý; tích cực tham gia góp ý với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tìm ra các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng mội trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm các chi phí đầu tư kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; không ngừng tập hợp ý kiến góp ý, phản ánh, phản biện cơ chế, chính sách; kênh thu thập phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp hội viên….
Các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ pháp lý của Nhà nước và các Hiệp hội doanh nghiệp về giải quyết kiến nghị vướng mắc pháp lý; nâng cao năng lực pháp luật cho cán bộ pháp chế; hỗ trợ giải quyết tranh chấp; đàm phàn ký kết hợp đồng; tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội thông tin tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn viên do VINASME triển khai đã được thiết lập, duy trì hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 3000 vụ việc pháp lý được tư vấn, giải đáp thông qua điện thoại, văn bản và giải đáp pháp luật trên truyền hình.
Tại buổi làm việc, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra một số kiến nghị về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, xác định nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý có trọng tâm, trọng điểm, tìm tòi những hình thức hỗ trợ mới cho phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ có hiệu quả như cafe doanh nhân, bác sỹ doanh nghiệp; nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, trong đó cần xác định rõ chức năng quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, thành lập đơn vị chuyên trách về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, kiện toàn vị trí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại cấp cơ sở. Đặc biệt là tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn pháp luật chuyên ngành liên quan đến doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đề nghị trong năm 2024 và những năm tới đây, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp với trách nhiệm được giao về quản lý nhà nước cũng như chủ trì tham mưu triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Trọng tâm là tham gia góp ý kiến phản biện trong quá trình đề xuất, sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; đề xuất chủ đề, nội dung và tham gia chuẩn bị, tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật”; chủ trì hoặc phối hợp triển khai một số hoạt động trong Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc phản ánh, kiến nghị các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, triển khai mục tiêu và yêu cầu của Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ, thì hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa càng có vị trí quan trọng. Bởi pháp luật là vấn đề bao trùm lên tất các các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
.
Đỗ Văn Tuyến
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật