Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

21/09/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Đối với một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì công tác PBGDPL càng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch rất cụ thể, thiết thực để triển khai PBGDPL cho cán bộ và nhân dân như Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (khoá  IX); Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-20012; Đề án 212...Vì thế, công tác PBGDPL đã góp phần ngăn chặn làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác này thời gian qua vẫn còn có nhiều hạn chế, tồn tại cần  tháo gỡ trong thời gian tới:

Thứ nhất, do tầm quan trọng của công tác PBGDPL nên sau khi ban hành muốn được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả thì việc đầu tiên là phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đó sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tránh tình trạng chỉ tập trung PBGDPL ở các vùng thị xã, thị trấn mà không quan tâm nhiều đến các vùng nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL thì nhân tố con người là quan trọng nhất, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những năm qua các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế của nhiều địa phương, ban, ngành, đoàn thể, ảnh hưởng đến việc đưa pháp luật vào đời sống nhân dân.

Thứ ba, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Đây là việc làm cần thiết nhằm bổ sung, tương trợ lẫn nhau trong công tác PBGDPL. Mặc dù, công tác này là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị nhưng để đạt được hiệu quả cao thì việc phối hợp là rất cần thiết. Trong những năm vừa qua, một số Bộ, ngành, đoàn thể đã làm tương đối tốt việc này như: Bộ quốc phòng, Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân... Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn có nhiều tồn tại, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình phối hợp còn mang tính hình thức chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, tăng cường các đẩy mạnh các hình thức PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao. Ngoài việc tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành thì các ngành với chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng để đề cập đến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà ngành mình phụ trách, góp phần làm tăng thêm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của mình.

Thứ năm, các cấp, các ngành cần dành một khoản kinh phí thích đáng trong hoạt động thường xuyên của mình để phục vụ cho hoạt động PBGDPL như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; mời báo cáo viên tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị mình các văn bản pháp luật mới, có liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghiệp vụ của ngành; tham gia in ấn phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật...

Có như vậy, công tác PBGDPL mới đạt được những kết quả như mong muốn, nhằm góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và tạo được ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, hiệu quả./.

Phạm Văn Chung-Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Xem thêm »