Để chủ trương hướng về cơ sở đạt hiệu quả thiết thực

21/09/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của cấp cơ sở, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương hướng hoạt động của chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về cơ sở, phục vụ cơ sở. Chủ trương này hoàn toàn hợp lý và đúng đắn, nhưng làm thể nào để việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mới là vấn đề phải bàn.

Một số yếu kém, tồn tại chủ yếu của chính quyền cơ sở hiện nay là:

- Đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là về trình độ chuyên môn; công tác đào tạo bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Ở nhiều địa phương, cán bộ chủ chốt cấp xã mới chỉ tốt nghiệp cấp một, cấp hai nên rất khó trong việc triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của tình hình mới. Ví dụ: việc thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, sau hơn hai tháng triển khai, do trình độ cán bộ cấp cơ sở còn rất yếu kém nên chưa có khả năng giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể: theo đánh giá chính thức của Bộ Tư pháp thì hầu hết các hợp đồng chứng thực giao dịch mà cấp xã thực hiện đều vô hiệu (đánh giá trên phạm vi cả nước). Thậm chí, một số địa phương không “dám” triển khai theo thẩm quyền vì sợ nếu làm sẽ dẫn đến vi phạm, sai sót.

- Chính quyền cơ sở hiện nay được giao quá nhiều việc theo chủ trương phân cấp của Chính phủ, nhưng chưa được phân bổ thêm biên chế, kinh phí, chế độ... Cụ thể: về hộ tịch, trước thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nay chuyển về cấp xã (NĐ 158/2005/NĐ-CP); về hộ khẩu, trước là của Công an cấp huyện nay chuyển về xã (NĐ 108/2006/NĐ-CP); chứng thực hợp đồng giao dịch về đất đai, chứng thực giấy tờ... trước đây thuộc Phòng công chứng, UBND cấp huyện nay chuyển về cấp xã (Luật công chứng; Luật đất đai, NĐ 79/2007/NĐ-CP)...

- Các chức danh chuyên trách ở cơ sở như tư pháp, địa chính, văn phòng-thống kê, văn hoá-xã hội... được tuyển chọn đào tạo cơ bản theo chuyên ngành những lại thường xuyên bị thay đổi, luân chuyển. Vì vậy, mặc dù được đào tạo nhưng rất nhiều trường hợp không được bố trí đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm cho đội ngũ cán bộ cơ sở đã yếu lại càng yếu thêm.

- Do yếu kém về năng lực, trình độ nên chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa đưa ra được các biện pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ của địa phương mình, nhất là trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.

Hiện nay, ở một số địa phương hoạt động hướng về cơ sở chưa hiệu quả do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, chính quyền cấp trên ở một số nơi chưa chú trọng đến việc xây dựng nội dung, kế hoạch, chương trình phù hợp, cụ thể nhằm giúp đỡ chính quyền cơ sở một cách thiết thực, hiệu quả mà phần lớn còn mang tính hình thức, chung chung và nhiều nơi còn mang tính đối phó, qua loa nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Thứ hai, chủ trương hướng về cơ sở là phải hướng đến tận người dân, giúp nâng cao đời sống nhân dân và giúp đỡ chính quyền cơ sở trong hoạt động, quản lý điều hành...Tuy nhiên, nhiều đoàn công tác khi xuống cơ sở chỉ nghe báo cáo, xem xét tình hình, chỉ đạo chung chung chứ chưa đưa ra được biện pháp, việc làm cụ thể, thiết thực giúp cho chính quyền và nhân dân địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, chưa có sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành; giữa cấp huyện và cấp tỉnh, cấp Trung ương trong việc giúp đỡ chính quyền cơ sở nên đã dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả. Nhiều địa phương cấp xã trung bình mỗi tháng phải tiếp làm việc với hàng chục đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh, của huyện, thậm chí có ngày phải tiếp ba, bốn đoàn công tác nên ảnh hưởng đến việc triển khai công tác khác của cơ sở.

Ngoài ra, các đoàn công tác cấp trên xuống công tác, chính quyền cơ sở phải tổ chức tiếp đón, họp hành, chiêu đãi...gây lãng phí về tiền của cho cơ sở.

Để chủ trương hướng về cơ sở đạt hiệu quả cao, giúp cho việc xây dựng chính quyền cơ sở thật sự vững mạnh, nâng cao được đời sống của nhân dân ở cơ sở, theo chúng tôi cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ cơ sở. Theo đó, các cơ quan cấp trên cần có sự trao đổi thông tin, kế hoạch cụ thể để không trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giúp đỡ chính quyền cơ sở. Trong trường hợp cần thiết có thể kết hợp liên ngành để việc giúp đỡ đạt hiệu quả tốt nhất.

Thứ hai, cần phân công cụ thể từng nhóm các ban, ngành, đoàn thể để giúp đỡ từng địa phương cơ sở cụ thể. Ví dụ, ở tỉnh Kon Tum, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết phân công cụ thể các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện giúp đỡ, xây dựng đối với từng xã, thôn cụ thể. Việc làm này đã mang lại kết quả rất khả quan, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Thứ ba, khi hướng hoạt động của mình về cơ sở các cấp, các ngành cần khảo sát, nắm bắt tình hình, đặc điểm của cơ sở để đưa ra được các kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm giúp đỡ chính quyền và nhân dân ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, cần có tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động hướng về cơ sở của từng cơ quan, đơn vị nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị làm chưa tốt. Bên cạnh đó, cần rút ra được bài học kinh nghiệm nhằm làm cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả công tác giúp đỡ chính quyền cơ sở về sau.

Để chủ trương hướng hoạt động về cơ sở, phục vụ cơ sở, gần dừn, vỡ dừn của Đảng và Nhà nước đạt kết quả cao nhất, cỏc cấp, cỏc ngành cần triển khai cỏc hoạt động của mỡnh đi vào thực chất, thiết thực, trỏnh cỏch làm mỏy mỳc, hỡnh thức, đối phỳ ở một số địa phương như hiện nay./.

Phạm Văn Chung-Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Xem thêm »