Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
50/2014/NĐ-CP ngày 20/5 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài; chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành; Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế; vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý và các loại ngoại hối khác của Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước quản lý dự trữ ngoại hối chính thức thông qua các nghiệp vụ như đầu tư trên thị trường quốc tế; can thiệp thị trường trong nước; thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh; thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế và các nghiệp Vụ quản lý dự trữ ngoại hối chính thức khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Căn cứ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, nhu cầu can thiệp thị trường vàng trong nước trong từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế, vàng khác thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước và chuyển đổi vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước từ vàng tiêu chuẩn quốc tế sang vàng khác và ngược lại. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tác xuất khẩu, chuyển đổi vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Về phạm vi sử dụng, Quỹ dự trữ ngoại hối được sử dụng để đầu tư trên thị trường quốc tế; Thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh; Thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế; Điều chuyển và hoán đổi ngoại hối với Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng; Sử dụng ngoại hối để đáp ứng nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước.
Cũng theo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước quản lý tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn thông qua việc tuân thủ tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước; đáp ứng kịp thời các nhu cầu ngoại hối của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng khi cần thiết và đảm bảo thanh khoản.
Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định của pháp luật. Dự trữ ngoại hối nhà nước được quy đổi ra đô la Mỹ để phục vụ công tác thống kê, thông tin quản lý và công bố số liệu. Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ giá và giá vàng để quy đổi các loại ngoại tệ và vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước sang đô la Mỹ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2014 và thay thế Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.