Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2011: Dự kiến tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm?

16/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong các ngày từ 22 - 23/12, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2010, giai đoạn 2007 - 2010, định hướng công tác giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ và giải pháp công tác năm 2011. Dự kiến, một số nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên thực hiện trong năm 2011 sẽ được Hội nghị tập trung thảo luận.

Theo nhận định của Bộ Tư pháp, năm 2011 là năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, bởi vậy, cùng với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Tư pháp sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo tiền đề cho việc phát triển công tác trong các năm tiếp theo.

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đã được xác định là việc tổ chức học tập, quán triệt và thể chế hoá các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó, tập trung vào việc phổ biến, quán triệt trong toàn Ngành; tổ chức rà soát, xây dựng các chương trình, kế hoạch đảm bảo thực hiện các nội dung liên quan đến Bộ, Ngành Tư pháp.

Nhiệm vụ thứ hai là ưu tiên thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua việc đổi mới căn bản công tác chuẩn bị, lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường rà soát, tham mưu xây dựng và ban hành các quy định của pháp luật nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước; tập trung nâng cao năng lực của tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Nuôi con nuôi được bảo đảm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội

Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là công tác hộ tịch, chứng thực; đề xuất giải pháp để giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong việc kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài

Năm là, tập trung phân loại, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp giảm thiểu án tồn đọng nhằm tiếp tục tạo chuyển biến về kết quả và chất lượng công tác THADS; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ được giao về thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp nhất là trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; tạo bước đột phá về thể chế giám định tư pháp.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ các cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Tám là, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật, đào tạo các chức danh tư pháp; chú trọng đào tạo trung cấp luật nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở cả về quy mô và chất lượng; tập trung đào tạo, tuyển chọn, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

Chín là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ; tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng văn bản chung theo trình tự rút gọn nhằm thực hiện các phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính; đổi mới công tác báo cáo, thống kê góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hiện Bộ Tư pháp đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các nhiệm vụ trọng tâm này trước khi tiến hành thảo luận tại Hội nghị.

PVNC

Xem thêm »