Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2007 - 2010, lĩnh vực hành chính tư pháp đã tạo sự chuyển biến tích cực, vị trí, vai trò của công tác hành chính tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tiếp tục được khẳng định, vị thế công tác từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường.
Cùng với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành Tư pháp, công tác hành chính tư pháp đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế, xã hội của đất nước. Thực hiện Chương trình hành động của Ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng (Quyết định số 2135/QĐ-BTP), Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011 (Quyết định số 559/QĐ-BTP), công tác hành chính tư pháp đã chủ động triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật so với giai đoạn 2001 - 2006. Nhận thức rõ yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ công tác, nên trong giai đoạn vừa qua, các hoạt động của công tác hành chính tư pháp hướng vào việc đổi mới quy trình làm việc theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ bàn bạc, hiến kế tìm giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xác định “hành chính tư pháp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng”, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, của nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tiến trình hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tư pháp nói chung và công tác hành chính tư pháp nói riêng ngày càng nặng nề. Nếu như trước đây, công tác hành chính tư pháp được đánh giá là một lĩnh vực không quan trọng, thường chỉ được đặt sau các lĩnh vực khác thì hiện nay với quan điểm đổi mới, lĩnh vực này đã được nhìn nhận, đánh giá lại đúng với tầm vóc và chỉ đứng sau công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là trong giai đoạn 2007 - 2010 đã được quan tâm, củng cố từ trung ương đến địa phương cho nên giai đoạn này được ví công tác “hành chính tư pháp là bộ mặt của địa phương”.
Công tác hành chính tư pháp năm 2010 tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, nhất là với việc tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hướng về cơ sở, vì thế công tác hành chính tư pháp đã được tăng cường không chỉ ở cấp Trung ương mà được phát triển mạnh mẽ, đồng bộ ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng công tác cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.
Là lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân, trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan hàng ngày tới đời sống xã hội, công dân và tổ chức. Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tư pháp đã tập trung đổi mới một bước khá căn bản trong công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước. Thể chế về công tác hành chính tư pháp liên tục được hoàn thiện theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc của dân, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Có thể khẳng định giai đoạn này đã có sự chuyển biến mới và tạo sự đột phá trong hoạt động xây dựng thể chế, thể hiện rõ nhất là các đạo luật đã được xây dựng và ban hành như Luật Công chứng, Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật Lý lịch tư pháp. Các đạo luật này chiếm gần 50% trong tổng số văn bản luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, bên cạnh đó, liên quan đến lĩnh vực công tác còn xây dựng các Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn... góp phần thể chế hóa kịp thời và ngày càng đầy đủ các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phục vụ hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đạt được kết quả khả quan trong các mặt công tác sau đây:
Về công tác quốc tịch, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi) được ban hành điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc tịch. Phát huy vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định người có quốc tịch Việt Nam, quyết định việc cho nhập, cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam, thực hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài..., đồng thời đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thể chế về công tác quốc tịch được hoàn thiện khá đầy đủ từ Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn thực hiện. Việc triển khai thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo bước đột phá trong công tác quốc tịch; việc giải quyết hồ sơ quốc tịch được thực hiện theo một quy trình thống nhất, công khai, minh bạch, đặc biệt là thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn đáng kể; quy trình giải quyết hồ sơ được cải cách theo hướng thuận tiện cho người dân. Qua đó cho thấy tăng hiệu quả về số lượng và chất lượng giải quyết hồ sơ, cụ thể như năm 2010, số lượng hồ sơ đã xử lý và trình Chủ tịch Nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam là 434 trường hợp (bằng 67,7% cả giai đoạn 2007 - 2010), quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam là 13.418 trường hợp, tăng 4.883 trường hợp so với năm 2009 (bằng 28,6% cả giai đoạn 2007 - 2010), quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam là 09 trường hợp.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện của địa phương liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam cho những người thuộc đối tượng quy định tại Điều 22 của Luật được nhiều địa phương quan tâm thực hiện như Điện Biên, Trà Vinh, Đà Nẵng, Bình Phước, Cà Mau, Sơn La...; việc triển khai thực hiện kế hoạch giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người Campuchia lánh nạn được thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước triển khai thực hiện, đến nay đã có 429 trường hợp người Campuchia lánh nạn đang cư trú tại các địa phương nói trên được nhập quốc tịch Việt Nam.... Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 31/2008/CT-TTg ngày 20/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép và nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, cho đến thời điểm này 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, qua đó kịp thời nắm bắt được tình hình triển khai ở các địa phương.
Về công tác hộ tịch, trong những năm gần đây, với những cố gắng của toàn bộ hệ thống tổ chức quản lý và đăng ký hộ tịch từ trung ương đến địa phương đã tạo nên bước chuyển biến tích cực; hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng một xã hội phát triển và được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân. Các cơ quan tư pháp địa phương đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước; kỹ năng, nghiệp vụ hành chính hộ tịch cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên góp phần từng bước xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ngày càng đi vào nền nếp và đang phát huy hiệu quả cao; giá trị pháp lý của các chứng thư hộ tịch như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn v.v..., đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân coi trọng, cơ chế “xin - cho” trong đăng ký hộ tịch trước đây đã không còn, đặc biệt, hầu hết các cơ quan đăng ký hộ tịch trong cả nước đều có bảng công khai thủ tục, thời hạn giải quyết từng sự kiện hộ tịch. Tính đến nay, trên phạm vi cả nước có trên 12.979 công chức Tư pháp - Hộ tịch, nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Thanh Hóa... Đối với công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài, với một hệ thống các văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã góp phần tích cực vào việc quản lý nhà nước, định hướng cho quan hệ hôn nhân và gia đình đi theo chiều hướng lành mạnh phù hợp với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, bằng các quy định tương đối chi tiết và cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bên nam nữ khi làm thủ tục. Cho đến nay, các Hội liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đã thành lập được 16 Trung tâm hỗ trợ kết hôn (trong đó có cả những Trung tâm tư vấn kiêm hỗ trợ kết hôn).
Về công tác chứng thực, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ban hành đã được hơn 3 năm, do đó công tác chứng thực bản sao, chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đến nay đã đi vào nền nếp, ổn định. Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã được triển khai tương đối rộng khắp trong cả nước với nhiều hình thức khác nhau, đã thu hút nhiều sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần làm tăng cường một bước nhận thức của xã hội về công tác chứng thực. Ở cấp huyện, các Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã bố trí thêm cán bộ cho Phòng Tư pháp để làm công tác chứng thực. Hầu hết các Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã áp dụng cơ chế hành chính một cửa trong công tác chứng thực. Ở cấp xã, công tác chứng thực cũng được áp dụng theo cơ chế một cửa. Đối với các phường, thị trấn thuộc các thành phố lớn về cơ bản đã cố gắng bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ chứng thực.
Về công tác lý lịch tư pháp, Luật Lý lịch tư pháp được ban hành đã tạo cơ sở vững chắc trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hiện nay, nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành, đề án thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện theo hướng ở các tỉnh có Phòng Lý lịch tư pháp, 05 thành phố trực thuộc trung ương có Trung tâm Lý lịch tư pháp.
Về công tác cải cách hành chính, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001 - 2010 và triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Bộ Tư pháp, lĩnh vực hành chính tư pháp đã triển khai đồng bộ việc cải cách trên cả 4 nội dung cơ bản (cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cán bộ và tài chính công), kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính với các yêu cầu, nội dung cải cách lập pháp và cải cách tư pháp. Việc công khai quy trình, thủ tục giải quyết từng loại việc tư pháp ở địa phương, mức thu lệ phí… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục (như trong lĩnh vực chứng thực, hộ tịch, công chứng), đặc biệt để giảm tải cho UBND cấp xã trong chứng thực, tránh phiền hà cho dân, nhiều địa phương đã chủ động giao thêm thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký các văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt cho Phòng Tư pháp cấp huyện.
Thực hiện Quyết định số 3924/QĐ-BTP ngày 18/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch và phân cấp việc in, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch”, các công việc về hành chính tư pháp đã được thực hiện cải cách hành chính với nhiều thủ tục rút gọn, tạo thuận tiện hơn cho người dân, điển hình là việc cắt giảm 54,4% tổng số sổ, biểu mẫu hộ tịch đang phát hành và việc đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp các biểu mẫu bản sao (trong đó có cả bản sao Giấy khai sinh), các cơ quan đăng ký hộ tịch và người dân có thể truy cập để in và sử dụng miễn phí; cơ chế một cửa đã điều chỉnh mối quan hệ giữa người dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của người dân đối với cơ quan nhà nước, giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức thuộc quyền, giảm bớt phiền hà, tiêu cực, thể hiện rõ bản chất và mục tiêu của công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, riêng trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã đơn giản hoá 107/158 thủ tục do Bộ Tư pháp rà soát, tiết kiệm hơn 1.300 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chuyển biến và tạo sự đột phá trong công tác xây dựng thể chế, công tác chỉ đạo điều hành đã có sự đổi mới, thể hiện ở việc tăng cường về tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Giai đoạn 2007 - 2010 đã tạo điểm nhấn đặc biệt với việc thể chế và hoạt động của lĩnh vực được hoàn thiện một cách cơ bản. Đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp. Với việc Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV được ban hành ngày 28/4/2009 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương thì cơ cấu tổ chức của Phòng hành chính tư pháp từ cấp tỉnh đến cấp huyện được củng cố và kiện toàn, qua đó các địa phương cũng đã có văn bản quy định đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp cấp huyện và tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã.
Đánh giá về kết quả các mặt công tác đã nêu ở trên chúng ta không thể không nói đến các mặt còn hạn chế như công tác xây dựng thể chế còn chậm, nhất là trong mảng công tác hộ tịch từ khi chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp cho đến nay vẫn chưa xây dựng một đạo luật điều chỉnh về lĩnh vực hộ tịch; việc hoàn thiện thể chế còn chậm, nhất là việc hướng dẫn và thi hành các đạo luật đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành. Công tác quản lý nhà nước về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở nhiều địa phương chưa khắc phục được tính hình thức, chất lượng chưa đảm bảo; tình trạng môi giới kết hôn bất hợp pháp, xâm phạm đến nhân phẩm của phụ nữ trở thành vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội từ nhiều năm qua. Hiện tượng sách nhiễu, cố tình đặt thêm thủ tục, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà cho người dân trong quá trình giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Công nghệ thông tin chưa được áp dụng một cách bài bản, cho đến nay chưa có cơ sở dữ liệu về quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp.
Năm 2010 được xem là năm bản lề trong việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam của ngành Tư pháp nói chung và của lĩnh vực hành chính tư pháp nói riêng. Với trọng trách được giao phó, giai đoạn 2011 - 2015 lĩnh vực hành chính tư pháp phải tăng cường quản lý vĩ mô theo hướng hiện đại hóa, gắn kết pháp luật về hành chính tư pháp với thực thi phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, hoàn thiện về công tác xây dựng thể chế (xây dựng Luật Hộ tịch, Luật Chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành...). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trong công tác quốc tịch, hộ tịch và lý lịch tư pháp.
Nguyễn Quốc Anh