Trên cơ sở đề nghị của Vụ Hành chính tư pháp, ngày 8/11/2010, Nhà Pháp luật Việt-Pháp đã tổ chức Hội thảo về lý lịch tư pháp nhằm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Cộng hòa pháp. Sau đây là tổng hợp một số nội dung chính của Hội thảo. Để tham khảo thêm, bạn đọc có thể tìm đọc Kỷ yếu Hội thảo về Lý lịch tư pháp 2010 do Nhà Pháp luật Việt-Pháp phát hành (hiện có tại Thư viện Nhà Pháp luật Việt-Pháp và Thư viện Bộ Tư pháp)
1. Lịch sử hình thành
Ở Cộng hòa Pháp, trước đây lý lịch tư pháp do các tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng nơi sinh của đương sự quản lý. Sau đó Bộ Tư Pháp đã thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp Trung ương, trực thuộc Vụ Hình sự và Ân xá. Đến năm 1966, Trung tâm này được chuyển về thành phố Nantes. Luật số 80-2 ngày 4/1/1980 đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc tin học hóa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và từ đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp Trung ương trở thành trung tâm dữ liệu điện tử thống nhất về lý lịch tư pháp. Trung tâm này có tên gọi mới là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bắt đầu hoạt động từ năm 1982.
2. Cơ cấu tổ chức
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) là một thẩm phán chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ trưởng Vụ Hình sự và Ân xá, Bộ Tư pháp. Quy chế và tổ chức hoạt động của Trung tâm được quy định tại các Điều từ 768 cho đến 781 và từ Điều R.62 cho đến R.90 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Quyết định của Bộ Tư pháp ngày 6/11/1981.
Trung tâm có 250 cán bộ, nhân viên và gồm 4 phòng:
- Phòng Công nghệ thông tin có 11 người, phụ trách các vấn đề tin học đặt ra đối với việc tác nghiệp và kiểm tra tính chính xác của dữ liệu được tiếp nhận, xử lý tại Trung tâm.
- Phòng Pháp chế có 27 người, chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và cập nhật thông tin pháp luật liên quan đến lý lịch tư pháp. Phòng này cũng tiến hành phân tích các trường hợp phức tạp, không thể xử lý bằng công nghệ thông tin do hồ sơ vụ việc hiếm và phức tạp, chịu trách nhiệm dịch và xử lý các bản án được tuyên đối với công dân Pháp ở nước ngoài trong trường hợp hai nước đã ký kết hiệp định.
- Phòng Nghiệp vụ có 185 cán bộ, nhân viên, tiếp nhận, xử lý toàn bộ các bản án do các tòa án gửi đến, xử lý yêu cầu và cấp phiếu lý lịch tư pháp, tiếp dân, cung cấp thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, phòng này có một bộ phận chuyên trách giải quyết những khó khăn về xác định danh tính khi tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp đối với công dân không sinh ra tại Pháp.
- Phòng Hành chính và nhân sự gồm 17 cán bộ, nhân viên.
3. Chức năng, nhiệm vụ
a) Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp tại Trung tâm
Cung cấp thông tin cho Trung tâm
Thông tin lý lịch tư pháp được xác lập từ nhiều nguồn khác nhau:
Phiếu thông tin về bản án, quyết định
Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp phiếu thông tin về bản án, quyết định bao gồm:
- Lục sự (thư ký Tòa án) đối với các bản án sơ thẩm, phúc thẩm,
- Viện trưởng Viện công tố hay Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các quyết định xử lý kỷ luật do cơ quan hành chính tuyên,
- Bộ trưởng Bộ Công an hay Tỉnh trưởng các tỉnh giáp biên giới đối với quyết định trục xuất,
-Viện Công tố nơi giam giữ đương sự đối với các bản án nước ngoài được thi hành tại Pháp.
Lục sự có thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật để gửi phiếu. Phiếu thông tin về quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi ngay cho Trung tâm khi Viện trưởng Viện công tố hay Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận được thông báo của cơ quan ra quyết định. Đối với các loại phiếu thông tin khác, không có thời hạn cụ thể nhưng phải bảo đảm cung cấp nhanh chóng, đúng và đủ.
Phiếu thông tin về việc thi hành án và áp dụng hình phạt
Các cơ quan sau có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Trung tâm về việc thi hành án và áp dụng hình phạt:
- Bộ Tư pháp về các đợt đặc xá, giảm hình phạt theo quyết định đặc xá cá nhân và Viện trưởng Viện công tố đối với các đợt đặc xá theo quyết định đặc xá tập thể khi người bị kết án không bị giam giữ,
- Lục sự của Tòa án phụ trách việc áp dụng hình phạt về quyết định cho tại ngoại có điều kiện hay quyết định hủy bỏ quyết định cho tại ngoại có điều kiện (trong trường hợp này tốt nhất là gửi bản sao quyết định này),
- Thủ trưởng của các cơ sở giam giữ về việc hết thời hạn chấp hành hình phạt.
Mọi thông tin liên quan đến việc áp dụng hình phạt phải được gửi thông qua Viện trưởng Viện công tố cho Trung tâm dưới dạng bản trích lục được lục sự Tòa án chứng thực.
Phiếu thông tin về lệnh truy nã và các phiếu thông tin khác
Việc gửi lệnh truy nã hay thông báo dừng việc truy nã không phải theo một thủ tục đặc biệt nào. Tuy nhiên, các phiếu này luôn có đầy đủ thông tin về danh tính của người bị truy nã và về quyết định truy nã ban đầu trong trường hợp thông báo dừng việc truy nã. Tương tự đối với quyết định trục xuất, cần phải ghi đầy đủ và chính xác các thông tin về danh tính của người bị trục xuất. Phiếu thông tin về lệnh truy nã do Bộ Công an cung cấp. Thông báo về việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt được Kho bạc chuyển cho Trung tâm. Các phiếu thông tin trên được chuyển cho Trung tâm dưới dạng văn bản giấy hay văn bản điện tử.
Quy trình cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp
Kiểm tra tính sẵn có của thông tin lý lịch tư pháp của đương sự
Trước khi tiến hành xử lý thông tin lý lịch tư pháp, phòng chức năng của Trung tâm phải kiểm tra thông tin về hộ tịch ghi trong văn bản nhận được. Trong quá trình xử lý và phân loại thông tin, phải kiểm tra xem mọi dữ liệu cần thiết đã có hay chưa và liệu các dữ liệu này có cho phép quản lý thông tin lý lịch tư pháp phù hợp với quy định pháp luật hay không.
Xác minh danh tính và tiền án của đương sự
Đối với người sinh ra ở Pháp, thông tin hộ tịch nêu trên phiếu thông tin mà Trung tâm nhận được phải được so sánh với thông tin trên các sổ hộ tịch do các tòa sơ thẩm quản lý, hay bản sao của Sổ bộ quốc gia về danh tính của các thể nhân mà Viện trưởng Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia cung cấp định kỳ cho Trung tâm.
Nếu có sự mâu thuẫn trong thông tin về danh tính của đương sự, phiếu thông tin được gửi trở lại cho cơ quan đã gửi phiếu. Cơ quan này sẽ phải tiến hành sửa thông tin ghi chưa đúng hay xác nhận thông tin đã gửi là chính xác bằng cách gửi lại cho Trung tâm một bản sao giấy khai sinh hay phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp trước đó.
Kiểm tra chất lượng thông tin được cung cấp
Trung tâm phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp, cẩn trọng và theo đúng quy định pháp luật. Chính vì vậy, khi thiếu thông tin cần thiết cho việc quản lý của Trung tâm hay khi các thông tin mâu thuẫn với nhau, Trung tâm phải trao đổi với các cơ quan đã cung cấp thông tin để sửa thông tin hay đề nghị giải thích thêm.
Trong thực tế, nhiều khi việc thiếu thông tin hay việc thông tin mâu thuẫn với nhau xuất phát từ việc bản án, quyết định chưa phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, cơ quan công tố phụ trách việc thi hành hình phạt sẽ quyết định bản án, quyết định sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như thế nào.
Ở đây, cần phải lưu ý rằng Trung tâm không có vai trò kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án. Với vai trò là tác nhân của quá trình thi hành hình phạt thông qua việc tiếp nhận, xử lý thông tin về án tích và quyết định cấm hành nghề, hoạt động kinh doanh và được đặt dưới sự lãnh đạo của một thẩm phán, Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng nguyên tắc cơ bản về tính hợp pháp của hình phạt, theo đó chỉ có thể cho thi hành các hình phạt được tuyên đúng pháp luật. Hơn nữa, Điều 432-5 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt 3 năm tù và 45 000 ơ-rô đối với mọi chủ thể nắm quyền lực công hay đảm nhiệm một dịch vụ công nếu trong khi thi hành nhiệm vụ mà biết có việc truất quyền tự do trái pháp luật mà không chủ động chấm dứt hay yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hành vi đó.
Xóa thông tin lý lịch tư pháp
Xóa thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp xóa án tích
Ở Pháp có sự phân biệt giữa xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích theo quy định của pháp luật. Trong cả hai trường hợp này, đương sự phải gửi đơn lên Tòa án yêu cầu ra quyết định xóa án tích hay công nhận xóa án tích. Căn cứ vào yêu cầu này, Tòa án ra quyết định trong đó quy định không ghi thông tin về án tích trên phiếu lý lịch tư pháp số 1 nữa.
Xóa thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp đặc xá, đại xá
Khi Luật Đặc xá, đại xá có hiệu lực thì việc xóa thông tin về án tích được Trung tâm thực hiện một cách tự động. Quy trình tự xử lý tự động này được thực hiện dựa trên Bảng danh sách các loại tội phạm (NATINF) do Vụ Hình sự và Ân xá, Bộ Tư pháp quản lý.
b) Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
Các loại phiếu lý lịch tư pháp
Phiếu lý lịch tư pháp được chia làm 3 loại, phù hợp với từng loại đối tượng yêu cầu :
- Phiếu số 1, bao gồm toàn bộ các thông tin lý lịch tư pháp về một chủ thể và chỉ được cấp cho các cơ quan tư pháp.
- Phiếu số 2, chỉ chứa một phần thông tin tin lý lịch tư pháp về chủ thể và chỉ được cấp cho các cơ quan hành chính. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định không đưa vào phiếu này một số loại bản án, quyết định của tòa án (các bản án, quyết định được loại trừ ngay từ đầu, bởi một bản án, quyết định được tuyên về sau, hay theo quy định về việc hết một thời hạn nào đó).
- Phiếu số 3, ghi ít nhất thông tin tin lý lịch tư pháp của người bị kết án. Phiếu lý lịch tư pháp số 3 chỉ liên quan đến thể nhân và chỉ được cấp cho chính đương sự hay người đại diện theo pháp luật, người giám hộ của đương sự. Trên phiếu lý lịch tư pháp số 3 chỉ ghi các án tích liên quan đến các chế tài truất quyền tự do không kèm án treo đối với trọng tội và khinh tội với mức phạt tù từ 2 năm trở lên. Tòa án có quyền quyết định không ghi một án tích vào phiếu số 3 mà đáng lẽ án tích này phải được ghi trên phiếu đó. Tuy nhiên, phải ghi vào phiếu số 3 các biện pháp truất quyền hay cấm hành nghề, thành lập doanh nghiệp không cho hưởng án treo khi các chế tài này nhằm thay thế biện pháp phạt tù theo quy định tại các Điều từ 131-5 tới 131-11 Bộ luật Hình sự trong thời hạn các biện pháp đó có hiệu lực pháp luật.
Giá trị chứng minh và hiệu lực của phiếu lý lịch tư pháp
Thông tin ghi trên phiếu lý lịch tư pháp được lấy từ bản sao phiếu thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp, vốn chỉ là bản trích lục bản án, quyết định. Hơn nữa, việc tổng hợp thông tin liên quan đến cùng một cá nhân đôi khi rất khó. Vì thế, giá trị chứng minh của bản trích lục lý lịch tư pháp khá hạn chế và có thể bị khiếu nại bởi đương sự.
Phiếu lý lịch tư pháp phản ánh tình trạng lý lịch tư pháp của đương sự vào ngày cấp phiếu. Một sự kiện mới hoàn toàn có thể xảy ra và làm thay đổi nội dung của phiếu nên không thể ấn định hiệu lực cho phiếu lý lịch tư pháp.
Phương thức yêu cầu và cấp phiếu lý lịch tư pháp
Yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được xử lý tự động để tiết kiệm thời gian và chi phí. Điều này đòi hỏi người yêu cầu phải điền đúng và đủ thông tin vào mẫu phiếu yêu cầu. Đây đồng thời cũng là một chỉ số đánh giá hiệu quả xử lý yêu cầu cấp thông tin lý lịch tư pháp. 85% các yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 được giải quyết tự động. Tỷ lệ này lần lượt là 86% đối với phiếu số 2 và 95% đối với phiếu số 3.
Yêu cầu cấp phiếu số 3 được gửi qua đường bưu điện hay qua thư điện tử. Trong đơn yêu cầu phải nêu rõ tình trạng hộ tịch của đương sự. Nếu đương sự sinh ra ở nước ngoài hay khi không rõ nơi sinh của đương sự hoặc khi đương sự dưới 12 tuổi, đơn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải được gửi bằng thư bảo đảm có kèm theo một giấy tờ tùy thân (phiếu hộ tịch hay bản sao chứng minh thư nhân dân). Người yêu cầu cũng có thể đến trụ sở của Trung tâm tại thành phố Nantes, xuất trình chứng minh thư để xin cấp phiếu.
Tin học hóa việc cấp phiếu lý lịch tư pháp nhằm tiết kiệm chi phí gửi thư trả lời qua đường bưu điện. Năm 2010, phiếu số 1 đã được tin học hóa dưới dạng file PDF trước khi được gửi cho người yêu cầu. Quá trình này được thực hiện trên mạng nội bộ của Bộ Tư pháp. Phiếu số 2 chỉ được gửi qua đường điện tử. Các cơ quan hành chính sẽ được trang bị công nghệ Internet để truy cập và kiểm tra thư trả lời sau khi gửi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Phiếu lý lịch tư pháp số 3 chỉ được gửi qua đường bưu điện và dưới dạng thư bảo đảm có giấy biên nhận và người nhận phải trình giấy chứng minh thư khi nhận thư. Trong năm 2006, Trung tâm đã xử lý hơn 8 triệu tài liệu, văn bản, trong đó 750.000 là phiếu thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan chức năng chuyển đến và 7,5 triệu yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó 68% phiếu lý lịch tư pháp được cấp theo cơ chế từ xa.
c) Chức năng thống kê của Trung tâm
Thống kê các hành vi vi phạm pháp luật, phân loại các hành vi này và thông tin cho những người làm thực tiễn hay nghiên cứu là chức năng phụ trợ của Trung tâm. Thông tin về các tội phạm phổ biến nhất được đưa vào báo cáo hoạt động thường niên do Giám đốc Trung tâm lập ra và trong các tập tin (file) được đăng tải trên trang mạng nội bộ của Bộ Tư pháp, trong phần dành cho Vụ Hình sự và Ân xá. Chính vì vậy, từ lâu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về tình hình tội phạm bên cạnh các số liệu thống kê của Tòa án và Viện công tố. Đây là nguồn thông tin cập nhật, hữu ích phục vụ đắc lực cho việc soạn thảo các quy định, chính sách pháp luật hình sự. Trung tâm Nghiên cứu thống kê của Bộ Tư pháp cũng đặt tại thành phố Nantes và cũng sử dụng các thông tin lý lịch tư pháp do Trung tâm cung cấp trên cơ sở đảm bảo bí mật danh tính của đương sự.
d) Một số chức năng khác
Ngoài cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, Trung tâm còn quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về các đối tượng đã từng có hành vi bạo lực hay tội phạm tình dục. Cơ sở dữ liệu của Trung tâm được kết nối với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của một số nước khác trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu./.
Nguyễn Thị Hảo