Sở Tư pháp Hà Nội vừa triển khai công tác Tư pháp năm 2011. Phóng viên Báo Pháp luật VN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về những yêu cầu, gửi gắm của lãnh đạo Thành phố với những người làm công tác Tư pháp Thủ đô.
PV: Được biết ông là người rất quan tâm tới công tác tư pháp, theo ông, Tư pháp Hà Nội đang nằm ở vị trí nào trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô?
*. Như các bạn đã biết thì Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Thủ đô cũng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Bởi vậy, Thủ đô không chỉ là nơi có trình độ dân trí cao mà còn là nơi có đòi hỏi cao đối với công tác tư pháp.
Theo đánh giá của tôi thì trong những năm gần đây, Tư pháp Hà Nội đã làm được nhiều việc, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, với quan điểm Hà Nội là phải đòi hỏi cao hơn, phải làm tốt hơn các địa phương khác thì tôi cho rằng cán bộ Tư pháp Hà Nội còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều để làm tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về tư pháp và chức năng hướng dẫn, tư vấn pháp luật.
PV: Theo sát quá trình Tư pháp Thủ đô vươn lên đáp ứng yêu cầu của người dân thì điều gì khiến ông trăn trở về đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở?
*. Đối với Hà Nội, cái mà chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sao cho vừa cụ thể hóa luật, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn của Thủ đô. Do đó, cán bộ tư pháp thực thi các văn bản quy phạm pháp luật đó cũng phải vừa am hiểu pháp luật, vừa hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Để đáp ứng những yêu cầu này, một cán bộ tư pháp không phải chỉ cần nhiều bằng cấp, không phải chỉ giỏi pháp luật, mà quan trọng là cán bộ tư pháp phải vận dụng thế nào để đảm bảo được đúng các quy định của pháp luật nhưng sát với thực tiễn cuộc sống. Cán bộ tư pháp cơ sở hàng ngày phải tiếp xúc với người dân, mỗi công việc của họ không chỉ liên quan đến một luật, mà đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Bởi vậy, điều tôi trăn trở là làm thế nào để đội ngũ cán bộ tư pháp Thủ đô phải tinh thông nhiều lĩnh vực, vừa chuyên sâu vừa toàn diện khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thứ hai nữa là trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan bổ trợ tư pháp, như công chứng, văn phòng tư vấn pháp luật, văn phòng luật sư thì quản lý nhà nước của chúng ta hiện nay mới đạt được trình độ là chúng ta quyết định thành lập, chúng ta theo dõi hoạt động của họ, thế còn kiểm soát hoạt động của họ theo quy định của luật, định hướng hoạt động của họ theo đúng đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật thì chưa được nhiều lắm. Thế nên mới có chuyện Hà Nội thực hiện chủ trương của trung ương, có chuyện giải phóng mặt bằng, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, như các quốc lộ, các công trình trọng điểm, kể cả các công trình trọng điểm Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội….thì cũng còn có văn phòng tư vấn pháp luật nói ngược lại về chính sách giải phóng mặt bằng, về chính sách đối với người dân.
Quan điểm của tôi là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải tăng cường kiểm tra, uốn nắn các đơn vị đó đi đúng quỹ đạo. Mà để làm được điều này thì cán bộ tư pháp phải đủ năng lực, đủ trình độ để phát hiện ra những cái sai và chấn chỉnh cái sai đó.
Một đặc điểm nữa mà tôi cho là cũng rất quan trọng, đó là tính chất cộng đồng của công tác tư pháp. Tư pháp muốn ăn sâu, bén rễ vào đời sống xã hội thì Tư pháp không chỉ cần làm tốt vai trò của mình trong hệ thống chính trị mà còn phải trở thành hạt nhân tuyên truyền để mọi người dân cùng tham gia làm công tác tư pháp. Tôi cho rằng đó mới là tư pháp thành công.
Vừa rồi lãnh đạo Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp phải tập trung rà soát lại, đánh giá lại để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, để làm sao đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở ngày càng nâng lên về mặt trình độ, nghiệp vụ, cũng như kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giang Nam