Tư pháp Kiên Giang đã làm tốt nhiệm vụ được giao

17/01/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, những năm gần đây, Kiên Giang không những phát triển ổn định về kinh tế mà còn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Công tác Tư pháp cũng được lãnh đạo các cấp của Tỉnh rất quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Bùi Quang Bền, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Thời gian vừa qua các cơ quan tư pháp ở địa phương đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Phần lớn văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND trước khi ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật khác xem có gì trái không, có khả thi không. Sở Tư pháp cũng đã làm tương đối tốt vai trò tham mưu của mình.

  PV: Xin hỏi thêm là liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật thì Kiên Giang có gặp khó khăn, vướng mắc gì khi áp dụng các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương không?

  *. Về cơ bản thì chúng tôi chưa gặp phải vướng mắc gì khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chỉ có điều là thường khi chính quyền thu hồi đất đai, đền bù giải tỏa thì khu vực nào cũng có một số ít hộ dân không đồng tình, cho rằng mức bồi thường họ nhận được quá thấp. Số này cũng chỉ ít thôi, chỉ 2 – 3 %, nhưng chúng tôi vẫn phải tập trung giải quyết.

  Điều tôi băn khoăn không phải là vướng mắc về quy định của pháp luật mà là việc giải quyết câu chuyện “hậu” thu hồi, giải tỏa. Sau khi bị thu hồi đất đai, người dân chuyển nghề như thế nào, sinh sống ra sao… là cả một câu chuyện dài mà Nhà nước cần phải quan tâm bởi không phải người dân nào, nhất là người già, người dân tộc thiểu số, cũng có khả năng học nghề mới để chuyển nghề hoặc biết mưu sinh từ số tiền đền bù mà họ nhận được.

  PV: Với điều kiện địa phương có đa dạng thành phần dân cư như Kiên Giang thì cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các ông có tính tới biện pháp nào để nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho người dân không, thưa ông?

  *. Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân là việc mà chúng tôi tập trung làm thường xuyên. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân bằng nhiều hình thức như thông qua “kênh” cơ bản là hệ thống chính trị, đoàn thể; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng v.v… Sở Tư pháp Kiên Giang cũng đã xây dựng được hệ thống tủ sách pháp luật tới tận cơ sở. Nhìn chung, thời gian qua, việc giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân đã được các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang làm khá tốt.

  Có điều, do điều kiện tự nhiên, người dân ở những nơi tập trung, thành thị thì trình độ nhận thức pháp luật còn tương đối khá, còn ở những nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, công tác này cũng còn vất vả lắm, chỉ cần cán bộ lơi lỏng là người dân “quên” luôn. Một cái khó nữa trong công tác tuyên truyền pháp luật ở Kiên Giang là vùng biển tương đối rộng, với trên 11 ngàn tàu cá, mặc dù có tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhiều, nhưng nhiều tàu vẫn vi phạm, như ra vùng  biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, bị nước ngoài bắt, xử lý, trao trả về.  Khi nhận họ về, nếu xử lý nữa thì cũng gặp khó khăn, bất cập. Chúng tôi đang tích cực ngăn chặn tình trạng này.

  Một công tác nữa là chúng tôi cũng đang cố gắng đưa văn hóa về nông thôn, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa để thanh thiếu niên có thêm nhiều chỗ vui chơi lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

  PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy

Xem thêm »