Đến với công ước LaHay…

24/02/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Năm 2011 là năm có ý nghĩa với công tác quản lý nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nói riêng ở Việt Nam vì từ ngày 01/01/2011, Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực và trong năm nay, Việt Nam sẽ hoàn tất thủ tục phê chuẩn việc gia nhập Công ước LaHay (ngày 29/5/1993) về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước.

Chất chồng ưu tư và thách thức

Ngay từ năm 2005, khi chính thức bắt đầu hành trình đến với “LaHay”, những người được phân công trực tiếp thực hiện (đến từ Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan) đã ý thức được rằng, đây sẽ là hành trình dài, với rất nhiều khó khăn phải vượt qua mà họ đã dự đoán trước để Việt Nam có thể là thành viên của một Công ước được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Được đặt ra từ năm đầu những năm 90, việc Việt Nam ký và phê chuẩn Công ước LaHay là “điều tất yếu” để có cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng ổn định và lâu dài cho công tác bảo vệ trẻ em, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên nhằm bảo đảm quá trình giải quyết cho trẻ em làm con nuôi theo đúng tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, ngăn ngừa các hành vi mua bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi (NCN) nhằm mục đích trục lợi.

Tiếp tục hợp tác mở rộng việc giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở những thành viên của Công ước có nhu cầu mà không phải ký kết điều ước song phương như Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức, Na Uy,…, cũng như tiếp tục giải quyết vấn đề NCN với những nước đã ký kết Hiệp định song phương về NCN với Việt Nam nhưng đã hoặc chuẩn bị hết hiệu lực (như Mỹ, Thụy Điển, Ireland).

Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào cơ chế hợp tác quốc tế đa phương, nhằm trao đổi thông tin pháp luật, kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ kỹ thuật và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực NCN.

Nên thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong suốt 2 năm, những công việc để thu thập, phân tích, tổng hợp tư liệu, đánh giá các nội dung cơ bản của Công ước LaHay trong mối liên hệ với pháp luật Việt Nam, dự thảo văn bản, hoàn thiện các thủ tục cần thiết đã được khẩn trương tiến hành.

Trong đó, khó khăn chính là “nội luật hóa” các nguyên tắc của Công ước và “hài hòa hóa” các qui định pháp luật trong nước về NCN và bảo vệ trẻ em với qui định của Công ước. Lúc đó, các qui định liên quan đến NCN ở nước ta đang rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau vì Việt Nam chưa có một đạo luật về NCN.

Qua so sánh, đối chiếu cho thấy, một số nguyên tắc của Công ước “mới chỉ thể hiện chung chung trong các văn bản pháp luật, chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt chưa có các biện pháp để đảm bảo thực thi”. Các qui định về điều kiện NCN (đối với người xin nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi), cơ quan TƯ về con nuôi quốc tế, tổ chức được chỉ định (tổ chức trong nước được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực NCN), trình tự, thủ tục giải quyết việc NCN, hệ quả pháp lý của việc NCN cần được bổ sung, làm rõ.

Giải quyết những “sức ép”

Tất cả trở thành “sức ép” đối với Việt Nam trong lĩnh vực hết sức nhân đạo nhưng cũng rất nhạy cảm này, đặc biệt trong việc hoàn thiện khung pháp lý để “rút ngắn sự khác biệt” với thông lệ quốc tế và đảm bảo đúng bản chất, mục đích của hoạt động NCN, trên nguyên tắc ưu tiên NCN trong nước và kiên quyết đấu tranh, có biện pháp xử lý đối với những hành vi trục lợi trong hoạt động NCN.

Nhận thức rõ điều đó, các cơ quan có thẩm quyền, nhất là Bộ Tư pháp, đã nỗ lực để tiến tới hoàn thiện cơ bản cơ chế giải quyết vấn đề NCN phù hợp với thông lệ quốc tế, mở đường cho Việt Nam đến gần hơn với Công ước LaHay vào thời điểm cần thiết và phù hợp.

Và tất cả đã được giải quyết về nguyên tắc trong Luật NCN (được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7), cùng với việc Bộ Tư pháp đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về NCN, nhất là củng cố, tăng cường năng lực của Cục Con nuôi và bộ máy các cơ quan, tổ chức địa phương liên quan đến lĩnh vực này.

Tham gia Công ước LaHay, Việt Nam không cần bãi bỏ văn bản pháp luật nào (liên quan đến NCN) vì Công ước chỉ được áp dụng trong quan hệ với các quốc gia thành viên, còn pháp luật trong nước thì được áp dụng chung trong quan hệ với các nước khác.

Nên việc Quốc hội thông qua Luật NCN đã góp phần “hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến vấn đề NCN, nội luật hóa nhiều qui định của Công ước”, tạo điều kiện khả thi cho việc thực hiện qui trình giải quyết NCN có yếu tố nước ngoài theo đúng yêu cầu của Công ước.

Tuy Công ước có những qui định về trình tự, thủ tục giải quyết việc NCN có thể áp dụng trực tiếp (vì các điều khoản này cơ bản là phù hợp với pháp luật Việt Nam), nhưng để bảo đảm thuận tiện cho viêc thi hành Công ước, Bộ Tư pháp nhận thấy, “cần tiếp tục nội luật hóa các qui định này vào dự thảo Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật NCN, để bảo đảm thi hành một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả”. Đến thời điểm này, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét.

Đến “LaHay”

Với sự ủng hộ tích cực từ phía Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế và Đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác về NCN với Việt Nam, cũng như các Bộ, ngành hữu quan (Ngoại giao, Công an, LĐTB&XH, Văn phòng Chủ tịch nước), ngày 7/12/2010, Việt Nam đã chính thức ký Công ước LaHay sau nhiều lần được các Bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến.

Những công việc còn lại là hoàn tất thủ tục để báo cáo Chủ tịch Nước phê chuẩn toàn văn Công ước và Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục nộp văn kiện phê chuẩn của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan – cơ quan lưu chiểu Công ước.

Về câu chữ thì đơn giản vậy, nhưng đến được với Công ước LaHay,  những người làm công tác quản lý Nhà nước về NCN của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan đã trải qua hơn nửa thập kỷ với những phút giây căng thẳng trong những cuộc đàm phán, cảm giác hạnh phúc khi đám phán thành công, những cân nhắc khi điều chỉnh, xây dựng các qui định pháp luật trong nước để đảm bảo nguyên tắc tương thích với Công ước mà vẫn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật trong nước, lợi ích quốc gia và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Và trên hết, là sự tận tâm vì quyền lợi của những trẻ em bất hạnh, đang cần có mái ấm để được lớn lên trong yêu thương và phát triển toàn diện.

Song thành quả này chỉ là sự bắt đầu cho những thách thức mới đang chờ ở phía trước để Việt Nam có thể thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nghĩa vụ thành viên. Vì vào “LaHay” là Việt Nam phải “gánh” thêm nhiều nghĩa vụ quốc tế, tương ứng với những thuận lợi nhận được trong lĩnh vực NCN. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những hành trình khác tiếp nối…/.

Hương Giang

Từ năm 2003, số trẻ em làm con nuôi người nước ngoài tăng lên so với thời kỳ cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Năm 2003 có 800 trường hợp, năm 2004 có 550 trường hợp, năm 2005 có 1.250 trường hợp, năm 2006 có 1.550 trường hợp, năm 2007 có 2000 trường hợp, năm 2008 có 1.200 trường hợp, năm 2009 có 1.064 trường hợp và 7 tháng đầu năm 2010 có 674 trường hợp trẻ em được giải quyết làm con nuôi người nước ngoài (Nguồn: Cục Con nuôi).

Xem thêm »