Thông tư hướng dẫn một số vấn đề về giao dịch bảo đảm: An toàn, minh bạch, thuận lợi cho người yêu cầu đăng ký

29/10/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thay thế Thông tư số 01/2002, Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 06/2006 hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) tại Trung tâm Đăng ký Quốc gia GDBĐ.

Những nội dung được "làm" mới, sửa đổi, bổ sung của Thông tư 06 được tin rằng sẽ đáp ứng tốt nhất yêu cầu về một hệ thống đăng ký GDBĐ an toàn, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho người yêu cầu đăng ký khi tiếp cận hệ thống đăng ký đó.

Những điểm mới của Thông tư 06

Về phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của TTĐKGDTS, Thông tư 06 quy định chỉ TTĐKGDTS mới có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về GDBĐ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước. So với Thông tư 01, Thông tư 06 không quy định việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký GDBĐ. Thay vào đó, TTĐKGDTS cấp bản sao đơn yêu cầu đăng ký có nội dung chứng nhận của TTĐKGDTS.

Bên cạnh việc cấp bản sao, đơn yêu cầu đăng ký có chứng nhận của TTĐKGDTS cho người yêu cầu đăng ký và các bên tham gia GDBĐ, TTĐKGDTS còn cấp bản sao đơn cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Về thời điểm đăng ký trong trường hợp có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót do lỗi của người yêu cầu đăng ký, Thông tư 01 quy định trong trường hợp người yêu cầu đăng ký có sai sót trong việc kê khai đơn yêu cầu đăng ký thì thời điểm đăng ký có hiệu lực bị thay đổi, được xác định theo thời điểm nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót. Tuy nhiên, việc không phân biệt hệ quả pháp lý căn cứ vào mức độ sai sót là một bất cập của Thông tư 01.

Để khắc phục hạn chế trên, Thông tư 06 hướng dẫn thời điểm đăng ký chỉ bị thay đổi và được xác định theo thời điểm nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót trong các trường hợp người yêu cầu đăng ký sai sót về việc kê khai tên, số của giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm hoặc kê khai không đúng theo hướng dẫn; về việc kê khai tài sản bảo đảm; có đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký.

Về kê khai đơn yêu cầu đăng ký, Thông tư 01 không hướng đẫn cụ thể về việc kê khai tên của các bên tham gia GDBĐ căn cứ vào những giấy tờ, căn cứ pháp lý nào. Do vậy, nhằm tạo thuận lợi cho việc kê khai, Thông tư 06 hướng dẫn cụ thể nội dung kê khai, căn cứ pháp lý dùng để kê khai căn cứ vào từng loại chủ thể, tuỳ thuộc đó là công dân Việt Nam, người nước ngoài, cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam hoặc đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, tổ chức được thành lập hoạt động theo pháp luật nước ngoài.

Về thời hạn giải quyết việc đăng ký, cung cấp thông tin, Thông tư 06 đã rút ngắn thời hạn giải quyết việc đăng ký, cung cấp thông tin theo hướng TTĐKGDTS có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay sau khi nhận đơn hoặc trong ngày làm việc; nếu TTĐKGDTS nhận đơn sau 15 giờ thì việc giải quyết đăng ký, cung cấp thông tin được hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo. Điều này phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tiết kiệm về thời gian cho tổ chức, cá nhân, giúp cho việc giải ngân được triển khai đúng tiến độ.

Về thời gian đăng ký gia hạn, Thông tư 01 quy định trong thời hạn sáu tháng trước ngày kết thúc thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký mà cần gia hạn, người yêu cầu đăng ký nộp đơn yêu cầu đăng ký gia hạn GDBĐ. Sự cứng nhắc, chưa thật sự hợp lý này đã được Thông tư 06 khắc phục thông qua quy định: Trong thời hạn còn hiệu lực của việc đăng ký GDBĐ mà cần gia hạn, người yêu cầu đăng ký nộp Đơn yêu cầu đăng ký gia hạn GDBĐ đến TTĐKGDTS để tiến hành đăng ký gia hạn.

Về đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, theo quy định tại Thông tư 01, Đăng ký viên phải nhập nội dung đơn vào cơ sở dữ liệu và tìm kiếm, lập danh sách tất cả những bên nhận bảo đảm bằng tài sản đó bị xử lý để thông báo cho họ. Đơn giản hóa hơn, Thông tư 06 quy định Đăng ký viên không phải nhập nội dung của Đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm vào Cơ sở dữ liệu. Quy định trên vừa tránh lãng phí về thời gian tác nghiệp của Đăng ký viên, vừa giảm chi phí và tăng hiệu suất công việc cho TTĐKGDTS.

Về việc cấp bản sao đơn có chứng nhận của TTĐKGDTS, Thông tư 06 đã bổ sung quy định về trình tự cấp bản sao đơn có chứng nhận của TTĐKGDTS đáp ứng yêu cầu thực tế trong cấp bản sao đơn để thay thế cho bản sao đơn bị thất lạc, hư hỏng cũng như cung cấp chứng cứ giải quyết tranh chấp và yêu cầu tìm hiểu của cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc cấp bản sao đơn có chứng nhận của TTĐKGDTS được xác định là một hình thức cung cấp thông tin như những hình thức cung cấp thông tin khác. Có thể nói, quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với hệ thống đăng ký hiện đại của các nước trên thế giới.

Những bổ sung của Thông tư 06

Thông tư 06 bổ sung thêm người yêu cầu đăng ký có thể là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản. Trừ một số trường hợp, Thông tư số 06 nêu rõ người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền phải nộp văn bản ủy quyền (bản chính) khi yêu cầu đăng ký.

Trên cơ sở pháp điển hóa những hướng dẫn của Cục Đăng ký và tổng hợp một số vấn đề phát sinh trên thực tế, Thông tư 06 đã bổ sung so với Thông tư 01 thêm bốn trường hợp từ chối đăng ký và một trường hợp từ chối cung cấp thông tin.

So với Thông tư 01, Thông tư 06 bổ sung phương thức thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin đối với khách hàng thường xuyên là "Thanh toán ủy nhiệm thu, thanh toán ủy nhiệm chi qua ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước hoặc thanh toán từ số tiền tạm ứng đã nộp vào tài khoản của Trung tâm Đăng ký".

Thông tư số 06 mở rộng phạm vi đối tượng được đăng ký vào danh sách khách hàng thường xuyên của TTĐKGDTS. Thông tư 01 quy định chỉ các tổ chức tín dụng mới được đăng ký làm khách hàng thường xuyên, còn Thông tư 06 quy định các tổ chức, cá nhân đều có thể đăng ký làm khách hàng thường xuyên của TTĐKGDTS nếu đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn của Cục Đăng ký.

Thông tư số 01 chỉ quy định cấp Danh mục các GDBĐ kèm theo Giấy chứng nhận, trong khi đó Thông tư số 06 quy định có hai hình thức cung cấp thông tin là: Danh mục các GDBĐ (theo tên của bên bảo đảm) và Văn bản tổng hợp thông tin về các GDBĐ (theo tên của bên bảo đảm) hoặc cấp kèm theo bản sao đơn có chứng nhận của Trung tâm Đăng ký, tùy thuộc vào yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Theo Pháp luật Việt Nam

 

Xem thêm »