Xây dựng dự thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật: Nghiên cứu mở rộng phạm vi

02/08/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau một thời gian triển khai Đề án về công tác theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) (ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư số 03/2010/TT-BTP cho thấy đã đến lúc phải xây dựng một văn bản ở tầm cao hơn - là Nghị Định. Đây là nhận định của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tại buổi báo cáo với Lãnh đạo Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định TDTHPL trong tuần vừa qua.

Phạm vi còn hẹp

Tuy nhiên, với dự thảo Nghị định đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì cần thiết nghiên cứu xem liệu có thể mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh. Theo dự thảo Nghị định về TDTHPL hiện nay, phạm vi điều chỉnh mới chỉ giới hạn việc TDTHPL trong các cơ quan hành chính nhà nước là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND và UBND các cấp.  

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ khẳng định, TDTHPL là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là thực thi pháp luật mà còn là công cụ nâng cao hiệu quả của pháp luật và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dự thảo Nghị định giới hạn phạm vi điều chỉnh việc THPL trong nội bộ các cơ quan hành pháp (cơ quan hành chính nhà nước) mà chưa có các cơ quan lập pháp. Đây cũng là điều dễ hiểu vì một văn bản ở tầm Nghị định có những hạn chế nhất định của nó. “Song trong thực tế THPL, ngoài các cơ quan nhà nước thì các tổ chức, nhân dân mới là đối tượng THPL chủ yếu” - ông Huệ lưu ý.

Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn tán thành: Giới hạn phạm vi như dự thảo Nghị định là chưa ổn. Tương tự, về chủ thể thực hiện do quy định theo phạm vi điều chỉnh nên cũng bị hạn chế. “Cần nghiên cứu mở rộng ra như thế nào, chứ như thế này thì hơi hẹp, ngoài diện phải có điểm” - ông Sơn đề xuất.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho rằng dự thảo Nghị định đặt vấn đề quá hẹp bởi “TDTHPL chính là theo dõi chấp hành pháp luật trong cuộc sống như thế nào”.

Có nhất thiết xây dựng Chương trình?

Theo dự thảo Nghị định, căn cứ vào yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chương trình công tác và Kế hoạch giám sát của Quốc hội, Chương trình công tác trọng tâm của Chính phủ và thực tiễn THPL, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình TDTHPL hàng năm. Căn cứ Chương trình của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình, gửi Bộ Tư pháp để theo dõi và phối hợp thực hiện.

Theo kinh nghiệm của một cán bộ Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, việc trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình hàng năm “không đơn giản chút nào”. Chẳng hạn, được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động buôn bán người, Vụ đã hoàn thiện dự thảo nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được ký ban hành dù đã tổ chức nhiều hội thảo đóng góp ý kiến.

Đồng tình, một ý kiến nhấn mạnh, hàng năm Chính phủ có thể ban hành Kế hoạch (Chính phủ phê duyệt mới có tính bắt buộc cao), chứ không nhất thiết phải xây dựng Chương trình TDTHPL. Trong Kế hoạch này phải xác định được đâu là trọng tâm, trọng điểm và bên cạnh đó, cũng cần có những kế hoạch đột xuất. Ngoài ra, đối với các Bộ ngành, các địa phương thì đương nhiên phải có kế hoạch thực hiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình.

Cẩm Vân

Xem thêm »