Nghị định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

09/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 06/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP quy định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Theo Nghị đinh, vũ khí hóa học bao gồm một, hai hoặc tất cả các loại sau: Các hóa chất độc và tiền chất của chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó; Đạn dược và trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để sử dụng các độc tính của các hóa chất độc và tiền chất như trên nhằm gây tử vong hoặc các tác hại khác; Bất kỳ loại trang thiết bị nào được thiết kế đặc biệt để dùng trực tiếp các loại đạn dược và thiết bị quy định trên.

Các mục đích không bị cấm theo Công ước Cấm vũ khí hóa học bao gồm: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, y tế, dược phẩm và các mục đích hòa bình khác; Bảo vệ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống hóa chất độc và vũ khí hóa học; Hoạt động quốc phòng, an ninh không gắn với việc sử dụng vũ khí hóa học và không sử dụng độc tính của hóa chất như là phương tiện chiến tranh; Cưỡng chế thi hành luật, kể cả chống bạo loạn trong nước.

Mọi thành viên của Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các thông tin mật trong khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Cơ quan Quốc gia Việt Nam khi trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thông tin bảo mật của các cơ sở hóa chất chỉ được trao đổi, tiết lộ với những người có trách nhiệm để thực hiện nghĩa vụ Công ước Cấm vũ khí hóa học và trong trường hợp khẩn cấp có liên quan đến an toàn cộng đồng.

Trường hợp thay đổi hóa chất được sử dụng làm chất chống bạo loạn thì cơ quan nhà nước liên quan đến việc quản lý, sử dụng chất chống bạo loạn phải thông báo với Cơ quan Quốc gia Việt Nam về hóa chất được thay thế, gồm: Tên hóa chất (tên gọi theo IUPAC, tên thương mại hay tên gọi thông thường); công thức hóa học và số CAS. Thông báo này phải gửi đến Cơ quan Quốc gia Việt Nam trước 30 ngày, kể từ ngày hóa chất chính thức được sử dụng làm chất chống bạo loạn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 và thay thế Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Minh Loan

Xem thêm »