Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa ban hành
Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thông tư quy định, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu) để tính giá cơ sở theo mức tối đa như sau: Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng là: 1.050 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu điêzen, dầu hỏa là: 950 đồng/lít; Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu madút là: 600 đồng/kg. Trong đó, các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) hợp lý, hợp lệ (được kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập kiểm toán) cao hơn mức quy định trên, thương nhân đầu mối cân đối, xem xét quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm;
Các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu nước theo quy định của pháp luật.
Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Trong trường hợp cần thiết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối thực hiện.
Đối tượng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá là các thương nhân đầu mối đã thực hiện việc trích lập Quỹ Bình ổn giá theo quy định được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để thực hiện mục tiêu ổn định thị trường, bình ổn giá xăng, dầu theo quy định của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; Các thương nhân đầu mối khi không còn là thương nhân đầu mối xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính ban hành Quyết định thành lập Tổ Liên ngành điều hành giá xăng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, quy chế làm việc của Tổ Liên ngành.
Về chế độ làm việc của Tổ Liên ngành, Thông tư quy định: Tổ Liên ngành thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm; Được sử dụng con dấu của Bộ Công Thương và Tổ trưởng Tổ Liên ngành ký thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Công Thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao về điều hành giá xăng dầu; Phó Tổ trưởng thường trực Tổ Liên ngành thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng.
Về nguyên tắc làm việc của Tổ Liên ngành: Tổ Liên ngành làm việc theo nguyên tắc tập thể. Tổ trưởng chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên và chịu trách nhiệm về các báo cáo tham mưu cho Lãnh đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Từng thành viên của Tổ Liên ngành chịu trách nhiệm về các ý kiến tham mưu, đề xuất của mình trước Tổ trưởng và Lãnh đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu; Trong quá trình làm việc, các thành viên của Tổ Liên ngành phải chấp hành sự phân công của Tổ trưởng; thực hiện độc lập trong đề xuất ý kiến nhưng phải phối hợp công tác, trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu; được bảo lưu ý kiến trong quá trình làm việc nhưng phải chấp hành quyết định của Lãnh đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Trường hợp ý kiến của hai Bộ khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của Bộ; trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện nguyên tắc bảo mật. Nghiêm cấm tiết lộ thông tin trong quá trình điều hành giá xăng dầu, lợi dụng công việc được giao để vụ lợi cá nhân.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán, công bố giá cơ sở theo chu kỳ tính giá quy định tại khoản 9 Điều 3, Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Trường hợp ngày công bố giá cơ sở theo chu kỳ tính giá là ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện công bố giá cơ sở vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ của chu kỳ tính giá.
Căn cứ giá cơ sở và mức sử dụng Quỹ bình ổn do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được điều chỉnh giá bán lẻ (riêng madút là giá bán buôn) theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 7 Thông tư này nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014. Bãi bỏ Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư liên tịch này.
Ngọc Mai