Theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định số 29), từ 1/6/2012, con bệnh binh sẽ không được ưu tiên trong thi tuyển viên chức. Ngoài ra, con liệt sĩ, con thương binh; con của người hưởng chính sách như thương binh chỉ được ưu tiên trong một số trường hợp chứ không được cộng 30 điểm như đã quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quy định này sẽ thấy sự thiếu thống nhất, thậm chí không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Phải chăng đây là lỗ hổng pháp lý khi xây dựng văn bản pháp luật và là quy định thiếu tính công bằng?.
Bỏ sót đối tượng ưu tiên
Thay vì ưu tiên cộng điểm như trước đây, Điều 10 Nghị định số 29 quy định “Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên: a) Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; b) Thương binh; c) Người hưởng chính sách như thương binh; d) Con liệt sĩ; đ) Con thương binh; e) Con của người hưởng chính sách như thương binh; g) Người dân tộc ít người; h) Đội viên thanh niên xung phong; i) Đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; k) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự; l) Người dự tuyển là nữ”.
Nhìn vào quy định này thấy rằng, con bệnh binh không được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức. Trong khi đó, Khoản 5 Điều 21 của Luật Viên chức quy định khi tuyển dụng viên chức, thực hiện nguyên tắc: Ưu tiên người có công với cách mạng. Theo Điều 1 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (Pháp lệnh) thì đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi gồm người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Người có công với cách mạng bao gồm: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh…Còn Khoản 4. Điều 25 của Pháp lệnh quy định “Con của bệnh binh được ưu tiên trong tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo”. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật trước đấy khi hướng dẫn ưu tiên trong tuyển dụng viên chức đều đưa con bệnh binh vào là đối tượng để được hưởng chế độ ưu tiên.
Như vậy, rõ ràng Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật trước đây đều quy định ưu tiên trong tạo việc làm cho đối tượng là con bệnh binh. Việc Nghị định số 29 đã không đưa đối tượng con bệnh binh là đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức không những không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn mà còn là lỗ hổng trong xây dựng pháp luật. Vì Nghị định đã không “quét” được hết các đối tượng cần ưu tiên theo quy định của Luật Viên chức và Pháp lệnh Ưu đãi với người có công.
Không khả thi
Nghị định số 116 được ban hành trước khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực đã quy định rõ con liệt sỹ, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh và con bệnh binh được cộng 30 điểm vào tổng kết qủa điểm thi. Việc cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi như quy định tại Nghị định 116 có ý nghĩa hơn rất nhiều so với quy định ưu tiên như đã thể hiện ở Nghị định số 29. Vì rằng, thang điểm tối đa cho người dự tuyển viên chức như quy định tại Nghị định số 29 sẽ là 400 điểm nên việc xảy ra “Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng” đã khó có thể xảy ra, chưa nói đến chuyện khi đã bằng nhau rồi “thì người có tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn sẽ là người trúng tuyển”. Và nếu bài thi chuyên môn nghiệp vụ bằng nhau thì mới tính đến việc ưu tiên theo thứ tự như đã nói ở trên. Điều này thật khó xảy ra trên thực tế. Thế nên, quy định ưu tiên như vậy là việc khó khả thi và Điều luật trên sẽ chẳng mấy khi được đem ra áp dụng mà có lẽ chỉ tồn tại trên văn bản là mà thôi.
Không công bằng
Sẽ là không công bằng nếu như con thương binh và con người hưởng chính sách như thương binh được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức mà con bệnh binh thì không. Vì con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh và con bệnh binh đều là những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống khi bố, mẹ của họ bị suy giảm khả năng lao động (Thương binh là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên …"). Nên việc quy định ưu tiên như Luật và Pháp lệnh cũng như Nghị định số 116 trước đây là để phần nào bù đắp những thiệt thòi ấy.
Tuy nhiên, Nghị định 29 đã có sự phân biệt: một bên là được hưởng chế độ ưu tiên trong thi tuyển viên chức (con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh) với một bên không được ưu tiên (con bệnh binh). Vẫn biết rằng, theo Pháp lệnh thì thương binh là “người bị thương” còn bệnh binh là “người bị mắc bệnh” nhưng không vì thế mà chỉ ưu tiên cho con của thương binh và con của người hưởng chính sách như thương binh mà bỏ qua con của bệnh binh. Trong khi cả thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh đều được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP (tùy từng mức suy giảm khả năng lao động mà mức trợ cấp thương tật không giống nhau, nhưng có trường hợp trợ cấp hàng tháng của bệnh binh cao hơn thương binh. Ví dụ bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% - 90% sẽ được trợ cấp hàng tháng là 2.540.000 đ; thương binh suy giảm khả năng lao động 65% thì được trợ cấp hàng tháng là 2.314.000 đ). Vậy trong trường hợp này, tại sao con của bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% - 90% không được hưởng ưu tiên trong tuyển dụng mà con thương binh và con của người hưởng chính sách như thương binh (không phân biệt mức độ suy giảm khả năng lao động) là bao nhiêu thì đều được ưu tiên trong thi tuyển?
Ưu tiên như tuyển dụng công chức: Tại sao không?
Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định ưu tiên trong tuyển dụng công chức như sau: Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức: “a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: được cộng 30 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển; b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển”. Quy định này một mặt là kế thừa những quy định về ưu tiên trong tuyển dụng trước đây. Mặt khác là phát triển, bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên (bổ sung đối tượng con đẻ của người nhiễm chất độc hóa học).
Như vậy, cùng là đối tượng con của người có công với cách mạng (con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh bính, con của người hưởng chính sách như thương binh) nhưng nếu như tham gia thi tuyển công chức thì được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi nhưng nếu cũng người này tham gia thi tuyển viên chức thì lại không được cộng điểm mà chỉ được “ưu tiên” như quy định tại Điều 10 của Nghị định số 29.
Nếu so sánh thì thấy rằng, có hai nhóm văn bản hướng dẫn đó là nhóm văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Viên chức (nhóm 1) và nhóm văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức (nhóm 2) thì khi quy định về ưu tiên trong tuyển dụng, nhóm 2 đã kế thừa và phát triển những văn bản quy phạm pháp luật trước đây (Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành). Còn nhóm 1, không những không kế thừa mà đã thu hẹp đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên trong tuyển dụng.
Có quan điểm cho rằng, vì viên chức (ví dụ bác sỹ, giáo viên, giảng viên…) là những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ cần trình độ chuyên môn cao do vậy không thể tuyển những người có trình độ thấp nhưng nhờ điểm ưu tiên mà được tuyển dụng vào làm việc. Ở đây có hai vấn đề cần phải làm rõ. Một là, quy định ưu tiên trong tuyển dụng viên chức với những đối tượng đã đề cập ở trên là thể hiện chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Hai là, không thể nói công chức, viên chức thì ai quan trọng hơn ai. Mỗi người, mỗi một cá nhân trong bộ máy nhà nước, trong một cơ quan đơn vị sự nghiệp có một chức trách, nhiệm vụ riêng. Do đó mới có quy định, cùng là công chức nhưng có người ở ngạch chuyên viên, người thì ở ngạch chuyên viên chính và người thì ở ngạch chuyên viên cao cấp. Với viên chức cũng vậy, người ở ngạch giảng viên, người thì là giảng viên chính và người thì giảng viên cao cấp. Và ở mỗi ngạch đó, đều có những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nhất định. Hơn nữa, nếu coi viên chức cần yêu cầu trình độ cao hơn công chức để rồi không cho những đối tượng nêu trên được cộng điểm trong thi tuyển viên chức thì tại sao Điều 58 Luật Viên chức lại đưa ra quy định “Trường hợp viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét tuyển thành công chức không qua thi tuyển” ?
KN