Chính phủ vừa ban hành
Nghị định 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Theo đó, các hành vi bị
cấm trong bảo vệ công trình hàng hải như sau: Phá hủy, tháo gỡ, trộm cắp cấu
kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng
hải; Làm hư hỏng, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của các thiết bị báo
hiệu hàng hải; Nổ mìn và các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước
cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền; Xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả
năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được sự cho phép của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ
bền và tuổi thọ của công trình hàng hải; Nạo vét trái phép trên luồng hàng hải,
phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu
cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện giám sát nạo
vét và đổ bùn đất nạo vét không đúng quy định; Xây dựng và khai thác trái phép
các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã
được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; xây
dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải; Thực hiện
hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ
công trình hàng hải; Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; Thực hiện các
hành vi gây cản trở việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ công trình hàng hải;
Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai quy định gây ảnh hưởng đến chất
lượng công trình hàng hải; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định trong
việc bảo vệ công trình hàng hải; dung túng, bao che cho người có hành vi vi phạm
pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải; Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến an
toàn trong quản lý, khai thác công trình hàng hải và các hành vi khác bị cấm
theo quy định của pháp luật.
Việc đầu tư xây dựng, quản
lý khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình hàng hải phải tuân theo quy định có
liên quan của pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền ban hành, công bố.
Các Bộ, ngành, địa phương
khi lập quy hoạch có ảnh hưởng đến công trình hàng hải phải gửi văn bản lấy ý
kiến của Bộ Giao thông vận tải. Chậm nhất 05 ngày làm việc, Bộ Giao thông vận
tải phải có văn bản trả lời, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do. Trên
cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, thi công và tổ
chức, cá nhân liên quan tuân thủ các quy định về bảo vệ công trình hàng hải theo
quy định của Quy chế này và quy định khác
có liên quan của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân đầu tư
xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phải có phương án bảo vệ công
trình gồm các nội dung cơ bản sau đây: Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng
hải theo quy định của Quy chế này; Thiết lập báo hiệu hàng hải đối với công
trình hàng hải; Nhân lực và địa chỉ, số điện thoại liên hệ trong thực hiện bảo
vệ công trình hàng hải; Phương tiện, công cụ phục vụ việc bảo vệ công trình hàng
hải; Kế hoạch thực hiện bảo vệ công trình hàng hải và biện pháp kiểm tra, giám
sát của chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình; Biện pháp xử lý khi
xảy ra hư hỏng, tai nạn hàng hải, sự cố hoặc hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an
toàn trong khai thác công trình hàng hải; Đề xuất nguyên tắc, cơ chế, cách thức
phối hợp giữa chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình với Cảng vụ
hàng hải và cơ quan có thẩm quyền tại khu vực có công trình hàng hải.
Khi phát hiện công trình
hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn, chủ
đầu tư, người quản lý khai thác công
trình hàng hải hoặc người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho Cảng vụ hàng hải
tại khu vực để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi nhận được thông tin,
Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải chỉ đạo chủ đầu tư người quản lý khai thác công
trình áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ công trình hàng hải, giảm
thiểu tổn hại xảy ra đối với công trình; đồng thời, thông báo cho cơ quan có
thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải để hỗ trợ,
áp dụng biện pháp cần thiết ứng cứu, khắc phục sự cố, xử lý vi phạm, bảo đảm an
toàn công trình.
Chủ đầu tư hoặc người quản
lý khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của
Cảng vụ hàng hải, cơ quan có thẩm quyền; áp dụng các biện pháp ứng cứu, khắc
phục sự cố, ngăn chặn hành vi vi phạm theo phương án bảo vệ công trình; thiết
lập các cảnh báo cần thiết để bảo đảm an toàn xung quanh công trình; kịp thời
khắc phục hậu quả để sớm đưa công trình vào khai thác an toàn.
Cơ quan có thẩm quyền,
chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải khi phát hiện hành vi
vi phạm hoặc nhận được thông tin về công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy
cơ mất an toàn phải khẩn trương phối hợp với Cảng vụ hàng hải tại khu vực, chủ
đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải để xử lý vi phạm, ứng
cứu, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật.