Sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự: Bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa

05/02/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bào chữa là một trong những quyền cơ bản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các quyền này còn rất nhiều hạn chế đòi hỏi việc sửa đổi BLTTHS tới đây cần có những quy định chặt chẽ hơn….

Theo Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai, một trong những bất cập sau 8 năm thi hành BLTTHS là còn thiếu các cơ chế để bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng, nhất là bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa chưa được quy định cụ thể kể cả quyền và nghĩa vụ. Do đó, theo ông Mai, cần hoàn thiện chế định những người tham gia tố tụng theo hướng bổ sung một số quyền đồng thời quy định rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền của họ;bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng và tạo điều kiện để người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền của họ; đồng thời có các biện pháp chế tài áp dụng đối với người tiến hành tố tụng nếu vi phạm quyền của người tham gia tố tụng.

Đặc biệt cũng theo Phó Viện trưởng Hoàng Nghĩa Mai, cần sửa đổi các quy định để đảm bảo tốt quyền bào chữa của bên bị buộc tội theo hướng mở rộng diện những người bào chữa. Ngoài những đối tượng được quy định trong BLTTHS, bổ sung trợ giúp viên pháp lý và những người thân thích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có khả năng bào chữa. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa và tham gia bào chữa; quy định rõ trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm để người bào chữa tiếp cận được với quá trình giải quyết vụ án; quy định rõ trách nhiệm của người bào chữa khi tham gia tố tụng và các biện pháp chế tài áp dụng đối với người này khi vi phạm quy định của pháp luật.

Việc bảo đảm các quyền bào chữa, trong đó có cấp giấy chứng nhận bào chữa, một trong những vấn đề theo nhiều luật sư (LS) là “cửa ải” khó qua, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn quy định này. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi Luật Luật sư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa nhằm tạo cơ sở pháp lý xác nhận việc tham gia tố tụng của LS, đồng thời, Giấy chứng nhận người bào chữa là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của LS khi tham gia tố tụng. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, những vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho LS hiện nay chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện mà không vướng mắc về pháp luật. Luật Luật sư (sửa đổi) đã giữ quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa tuy nhiên quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ được thực hiện đúng thời hạn quy định là 3 ngày hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ. Luật này cũng nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Nếu thực hiện tốt các quy định này cũng với việc sửa đổi BLTTHS theo hướng nói trên, chắc chắn góp phần bảo đảm quyền bào chữa cho những người tham gia tố tụng.

Thu Hằng

Xem thêm »