Tìm được một cơ chế hữu hiệu để việc xử lý tài sản bảo đảm không còn theo dạng tùy nghi là việc không thể đừng vì xử lý tài sản bảo đảm đang là “nỗi đau không của riêng ai” và cũng là nguyên nhân làm tăng “nợ xấu” cho nền kinh tế.
“Ôm phao” vẫn… chìm
“Tài sản bảo đảm vẫn được coi là “chiếc phao” an toàn nhằm hạn chế những rủi ro tín dụng có thể xảy ra. Nhưng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chỉ có ý nghĩa và giá trị thực tiễn khi bên cấp tín dụng thu hồi được giá trị của tài sản bảo đảm. Nếu không, mọi hợp đồng, thỏa thuận hay chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm cũng chỉ là những giấy tờ vô nghĩa” - ông Đặng Trường Sơn (Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu) nhận định. Trong thời gian qua, các quy định về giao dịch bảo đảm đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các bên khi tham gia vào quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Dẫn ra các trường hợp như bên nắm giữ tài sản không tự nguyện bàn giao tài sản (nhất là nhà đất), không giao giấy tờ sở hữu tài sản, tài sản có biến động không được thể hiện trong hợp đồng thế chấp…, đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chứng minh cho việc xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tế cũng rất mong manh… cho dù bên nhận bảo đảm thắng kiện qua con đường tố tụng. Chưa kể việc xử lý tài sản bảo đảm được tiến hành theo con đường tố tụng lại mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm, thậm chí nhiều trường hợp đẩy bên nhận bảo đảm vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Ngay cả khi bên nhận nợ được ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm thì với tư tưởng “thiếu hợp tác”, bên nợ sẽ khiếu kiện, gây khó khăn cho việc thực hiện ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm vì tài sản có tranh chấp không được thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Không thể bình đẳng khi một bên “chây ỳ”
Đó là quan điểm của ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp) khi bàn về hướng mở quyền chủ động cho bên nhận nợ khi xử lý tài sản bảo đảm vì “bên nợ và bên nhận nợ chỉ có thể bình đẳng khi ký kết hợp đồng giao dịch chứ không thể bình đẳng khi một bên “chây ỳ”, trốn nợ”. Song quá trình áp dụng các quy định về xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn tồn tại một số bất cập, mà nguyên nhân được các tổ chức tín dụng khẳng định là “chưa có quy định cụ thể, thiếu cơ chế răn đe, nhiều rủi ro xuất phát từ người thực thi quyền lực nhà nước... nên hầu như việc xử lý tài sản bảo đảm đang tùy vào “ý thích của các bên liên quan”, nhất là những quy định pháp luật hiện hành đang vô hình chung “phong tỏa” quyền chủ động của bên nhận nợ khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến tình trạng nợ xấu kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm.
Một trong những vấn đề gây nhiều băn khoăn là tính khả thi của việc thu giữ tài sản trên thực tế và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trên giấy tờ. Đại diện Cục Quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, trong điều kiện thiếu cơ chế cho việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi tài sản (trừ khi để giải phóng mặt bằng) thì “không có chính quyền không thể xử lý được”. Còn đại diện của Ngân hàng Việt Nam Thương tín đề nghị “trao quyền và chế tài cho một cơ quan thực hiện cưỡng chế vì không phải lúc nào cơ quan công an, thi hành án cũng tham gia cưỡng chế thu hồi tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên nợ”.
Do đó, “lách trong lối đi hẹp của các văn bản pháp luật hiện hành” để đưa ra được cơ chế, trình tự, thủ tục đảm bảo sự ổn định của quan hệ vay nợ, tôn trọng pháp luật, không cho lạm dụng pháp luật để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ đã được cam kết…” dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm quy định, trong quá trình người xử lý tài sản thu giữ tài sản bảo đảm Ủy ban nhân dân sẽ hỗ trợ bằng việc “chứng kiến” và “giữ gìn an ninh trật tự theo đề nghị của người xử lý tài sản bảo đảm”.
Ngoài ra, để “dẹp” những khó khăn do sự thiếu hợp tác, thiếu thiện chí của bên giữ tài sản, hiện thực hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm, ông Hồ Quang Huy (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) cho biết, dự thảo hướng dẫn cách thức thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp bên nợ chết hoặc vắng mặt không có lý do tại nơi cư trú như một biện pháp bảo đảm sự chủ đọng trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí…
Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trong quý I/2013 để có thể hạn chế được rủi ro trong kinh doanh thông qua việc bảo đảm bằng tài sản. Đồng thời, góp phần giải quyết “núi” “nợ xấu” đang đè nặng lên nền kinh tế./.
Huy Anh