Củng cố thanh tra tư pháp để tăng hiệu quả công tác tư pháp

24/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thanh tra tư pháp là một trong những công cụ để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Vì thế sửa đổi nghị định 74/2006 là cần thiết để lực lượng thanh tra tư pháp không còn phải “loay hoay khi làm nhiệm vụ”.

Biên chế mỏng “gánh nặng” trọng trách

Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Hà Kế Vinh cho biết, từ năm 2007 đến 6 tháng đầu năm 2013, qua 85 cuộc thanh tra theo kế hoạch của Thanh tra Bộ và 2.864 cuộc thanh tra của Thanh tra các Sở tư pháp đã phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Thanh tra các Sở Tư pháp tuy lực lượng còn mỏng song từ năm 2007 đến 6 tháng đầu năm 2013 cũng đã tập trung thanh tra hành chính (469 cuộc) và thanh tra chuyên ngành (2.144 cuộc) trong các lĩnh vực công chức, chứng thực, luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, nhất là lĩnh vực hộ tịch.

Tính đến cả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, kiểm tra sau thanh tra, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ thì thanh tra tư pháp đang phải đảm nhiệm một khối lượng công việc quá lớn so với lực lượng mới chỉ có gần 180 biên chế cả ở Bộ và các Sở Tư pháp. Hầu hết Thanh tra các Sở mới chỉ có từ 2-3 công chức, đặc biệt một số địa phương chỉ có 1 công chức, không có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra thậm chí cả Thanh tra viên. Bên cạnh đó là tư tưởng tránh né, thiếu hợp tác của các đơn vị được thanh, kiểm tra do chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc thanh, kiểm tra cũng khiến cho hoạt động của thanh tra tư pháp còn tồn tại nhiều hạn chế.

Khó hiệu quả vì qui định pháp luật chưa thống nhất

Nhưng cái khó nhất cho công tác thanh tra trong lĩnh vực tư pháp chính là các qui định của pháp luật liên quan chưa thống nhất với nhau. Ngay Nghị định 74/2006 cũng đang thiếu vô vàn những qui định cần thiết như chưa qui định rõ mối quan hệ giữa thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ. Chưa qui định về thời hạn thanh tra, chưa xác định cụ thể cơ chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giữa các đơn vị thuộc Bộ , giữa đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp.

Đặc biệt, khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, Nghị định 74/2006 càng bộc lộ những hạn chế khó khắc phục. So với Luật này, Nghị định 74/2006 thiếu 5 chức năng, 2 nhiệm vụ của cơ quan thanh tra Tư pháp, có sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ, Sở. Do Bộ Tư pháp được giao thêm một số lĩnh vực mới nên sau khi Nghị định 74/2006 có hiệu lực, một số lĩnh vực đang nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định 74 như quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính…

Phân cấp thanh tra, không để chồng chéo

Quan điểm chung của Thanh tra các địa phương và các Sở Tư pháp là cần gấp rút có Nghị định thay thế Nghị định 74/2006 theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra 2010, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Khiếu nại, Luật Tố cao và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đại diện Thanh tra các Sở Tư pháp, cần có những qui định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra, tiêu chuẩn Thanh tra viên Tư pháp.

Khắc phục hạn chế lớn của công tác thanh tra tư pháp là biên chế luôn thiếu so với nhiệm vụ, nhiều đại diện Sở Tư pháp kiến nghị “qui định xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra nòng cốt, ổn định, chuyên sâu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ”. Đồng thời, qui định tăng cường mối quan hệ giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra với các cơ quan khác liên quan như công an, kiểm sát, tòa án; cũng như mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hoạt động thanh tra của cơ quan Thanh tra tư pháp và hoạt động kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành Tư pháp.

Để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, theo một số Thanh tra viên, cần có qui định về phân cấp giữa Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở trong hoạt động thanh tra về một số lĩnh vực thanh tra chuyên ngành như hộ tịch, chứng thực trên cơ sở phân cấp mạnh về hoạt động thanh tra cho Thanh tra các Sở Tư pháp; phân biệt nội dung thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành… không để chồng chéo khiến đơn vị được thanh tra, kiểm tra “phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra về cùng một nội dung, hồ sơ, tài liệu”…

Hải Nhật

Từ sau khi có Nghị định 74/2006, Thanh tra Tư pháp đã 17.734 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và cơ bản xử lý theo đúng qui định của pháp luật; tiến hành 205 cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo; 260 cuộc thannh tra thực hiện các qui định về phòng, chống tham nhũng; ban hành 2.526 quyết định xử phạt với số tiền gần 1 tỷ đồng; tổ chức 177 cuộc kiểm tra sau thanh tra nhưng một số địa phương chưa thực hiện việc kiểm tra sau thanh tra như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Định…

Xem thêm »