Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Quyết định này quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp, nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển và các nguồn vốn nhà nước hợp pháp khác.
Đối tượng áp dụng theo Quyết định là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng vốn nhà nước để thuê dịch vụ công nghệ thông tin; Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cơ quan nhà nước.
Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực và đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và thuyết minh tính hiệu quả giữa việc thuê dịch vụ so với đầu tư, xây dựng, vận hành ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định lựa chọn hình thức thuê dịch vụ hoặc đầu tư, mua sắm, xây dựng để thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau:
- Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước bao gồm: Hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống phần mềm nghiệp vụ; hệ thống họp, hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống quản lý thông tin tổng thể; hệ thống trao đổi thông tin, văn bản qua mạng; hoạt động cập nhật, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin khác được sử dụng trong phạm vi cơ quan nhà nước;
- Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp bao gồm: Ứng dụng một cửa điện tử; cổng, trang thông tin điện tử; hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến; hệ thống quản lý, giám sát, vận hành cơ sở hạ tầng; hệ thống truy vấn, hỏi đáp, chăm sóc khách hàng qua mạng; các hoạt động, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác phục vụ người dân và doanh nghiệp;
- Hoạt động liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin như cung cấp trang thiết bị kỹ thuật, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi; cung cấp hạ tầng, thiết bị kết nối mạng nội bộ, mạng diện rộng, kết nối Internet, truy cập tới các hệ thống dịch vụ công; cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu, hệ thống điện toán đám mây;
- Hoạt động khảo sát, lắp đặt, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, đào tạo, chuyển giao, tư vấn về công nghệ thông tin; triển khai, quản trị, duy trì, vận hành, tích hợp hệ thống, kết nối liên thông các hệ thống thông tin;
- Hoạt động bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin như cung cấp hệ thống, thiết bị, giải pháp an toàn thông tin; cung cấp giải pháp chống truy cập trái phép, tường lửa; phòng và chống vi rút, phần mềm gián điệp, phá hoại; hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát an toàn thông tin; hoạt động ứng cứu, khắc phục sự cố an toàn thông tin;
- Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin khác.
Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được thực hiện theo các nguyên tắc như nâng cao hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp khả thi, tiếp tục khai thác tối đa hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, phần mềm, phần cứng, thông tin, dữ liệu đã có; Xem xét áp dụng hình thức thuê dịch vụ tập trung trong phạm vi của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các dịch vụ công nghệ thông tin có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng; Thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ và phần mềm được đặt hàng riêng để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ (nếu có) là tài sản thuộc sở hữu của bên thuê. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu, mã nguồn của phần mềm đặt hàng riêng nói trên và các công cụ cần thiết khi kết thúc hợp đồng để bảo đảm cơ quan nhà nước vẫn có thể khai thác sử dụng dịch vụ được liên tục kể cả trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ; Bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, về công nghệ, quy trình cung cấp dịch vụ; tính liên tục, liên thông, kết nối, đồng bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố và trên toàn quốc; Bảo đảm an toàn, bảo mật và tính riêng tư về thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin, cơ yếu và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;. Ưu tiên các doanh nghiệp, tổ chức mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác) tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước đó.
Cũng theo Quyết định, nguyên tắc phân bổ và sử dụng kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được quy định như sau: Kinh phí cho việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được lấy từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp, nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển và các nguồn vốn nhà nước hợp pháp khác;. Đối với trường hợp thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp, kinh phí cho việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin là kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên, không thực hiện chế độ tự chủ của cơ quan nhà nước. Chủ trì thuê dịch vụ thực hiện việc lập kế hoạch theo hướng dẫn tại Quyết định này và Luật Ngân sách nhà nước; Đối với trường hợp thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển, Chủ trì thuê dịch vụ lập dự án theo hướng dẫn tại Quyết định này và các quy định của pháp luật về đầu tư công.
Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin được xác định trên cơ sở số gói dịch vụ cần thuê, quy mô, phạm vi sử dụng của từng dịch vụ, đơn giá thuê dịch vụ trung bình trên thị trường. Việc lập dự toán và xác định giá gói dịch vụ được thực hiện căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu như: Giá cung cấp dịch vụ của ít nhất 3 đơn vị cung cấp khác nhau (Trong trường hợp không có đủ 3 đơn vị cung cấp dịch vụ thì xin ý kiến thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá; Kết quả thẩm định giá (nếu có) của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật); Giá thị trường tại thời điểm lập dự toán được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp dịch vụ công bố trên mạng Internet; Giá gói dịch vụ tương tự trong thời gian trước đó gần nhất.
Các trường hợp được điều chỉnh dự toán theo Quyết định gồm: Trường hợp có yêu cầu phát sinh về chất lượng, số lượng dịch vụ cần thuê làm tăng giá thuê dịch vụ; Do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đề xuất trong trường hợp trượt giá dịch vụ; Khi có nhà cung cấp khác đề xuất mức giá cung cấp thấp hơn từ 10% trở lên cho cùng loại dịch vụ với chất lượng tương đương; Xuất hiện các yếu tố bất khả kháng: Động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc các sự kiện bất khả kháng khác và có tác động trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ; Khi chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được cấp thẩm quyền điều chỉnh có ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi, quy mô, mục tiêu của kế hoạch, dự án thuê dịch vụ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.