Đánh giá tác động văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân – một yêu cầu thiết thực để đảm bảo chất lượng của văn bản

13/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đánh giá tác động văn bản (Regulatory Impact Assesment - viết tắt là RIA) là một khái niệm khá mới mẽ trong quy trình xây dựng văn bản QPPL của Việt Nam, tuy nhiên đối với nhiều nước trên thế giới đây là một quy trình bắt buộc để một đề xuất xây dựng luật được thông qua. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản QPPL và đây là lần đầu tiên đánh giá tác động văn bản được luật hóa trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn thi hành pháp luật và học hỏi từ các nước có nền lập pháp lâu đời trên thế giới.

Tại các Điều 23, 33, 59 và 61 Luật Ban hành văn bản QPPL yêu cầu hồ sơ đề nghị xây dựng luật phải có báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản và cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản phải đăng tải báo cáo này lên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo. Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL yêu cầu RIA phải được thực hiện trong ba giai đoạn, đánh giá sơ sơ bộ khi lập đề nghị xây dựng văn bản, đánh giá trước và trong quá trình xây dựng văn bản và đánh giá sau khi ban hành văn bản. Báo cáo đánh giá sơ bộ phải xác định được các vấn đề xã hội cần được điều chỉnh bằng văn bản QPPL, các mục tiêu văn bản hướng tới, các giải pháp cơ bản cần áp dụng để đạt được mục tiêu, chi phí, lợi ích của các giải pháp và khả năng thực thi hiệu quả của văn bản. Kết quả đánh giá tác động văn bản ở giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó là cơ sở để cơ quan soạn thảo văn bản xác định những nội dung chính của văn bản. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản, RIA được thực hiện nhằm làm rõ các chính sách được lựa chọn là phương án tối ưu, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo tác động tích cực lên các mối quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật và các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đến giai đoạn này RIA được thực hiện cụ thể hơn bởi kết quả của nó là cơ sở để đánh giá tính khả thi của văn bản. Việc đánh giá tác động văn bản sau khi ban hành được thực thực hiện sau ba năm kể từ ngày văn bản có hiệu lực thi hành, lúc này cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm thực hiện việc phân tích các chi phí, lợi ích thực tế, tác động của văn bản lên các mối quan hệ xã hội và sự tuân thủ của những đối tượng được điều chỉnh, đối chiếu với kết quả đánh giá tác động trong giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả hoặc hoàn thiện văn bản bằng các giải pháp thực thi, hoặc sửa đổi, bãi bỏ văn bản. Với quy trình chặt chẽ và những yêu cầu thiết thực như trên, RIA mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội bởi nó giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội cần được luật hóa, việc so sánh các chi phí, lợi ích, giải pháp sẽ làm rõ những giá trị và hạn chế của từng chính sách, từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định đúng đắn, thiết thực trong quá trình đề xuất, ban hành và theo dõi thực thi pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, RIA chỉ thực hiện trong quá trình kiến nghị, xây dựng và thi hành Luật, Pháp lệnh và Nghị định.

Mặc dù là một quy trình phức tạp nhưng hầu hết ở các nước có nền lập pháp lâu đời, RIA là một yêu cầu bắt buộc khi có đề xuất ban hành mới hoặc thay đổi luật và các văn bản dưới luật, thậm chí RIA ngày càng được các nước đang phát triển áp dụng như một công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL và giảm thiểu các rủi ro trong việc áp dụng các chính sách mới, ở một số quốc gia RIA còn được sử dụng để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các văn bản hiện hành. Quy trình này thường được thực hiện khi việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung chính sách làm ảnh hướng đến khu vực công, tư nhân, doanh nghiệp, người tiêu dùng….Tại Úc, một đề xuất xây dựng văn bản luật không thực hiện các yêu cầu của RIA sẽ bị đưa vào Báo cáo hàng năm của cơ quan gác cổng về xây dựng luật. Nếu các cơ quan soạn thảo không hoàn thành đầy đủ đánh giá sơ bộ, hoặc đánh giá sơ bộ được hoàn thành nhưng cơ quan gác cổng về xây dựng luật yêu cầu cung cấp thêm các thông tin quan trọng về những ngoại lệ không được chấp thuận, hoặc việc đánh giá trong báo cáo sơ bộ chưa hoàn thành hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan gác cổng xây dựng luật sẽ hỗ trợ để cơ quan soạn thảo chỉnh sửa cho phù hợp, nếu những tồn tại không được hoàn thiện thì đề xuất xây dựng luật sẽ bị xem là không đầy đủ và có thể sẽ bị cảnh báo bởi một Thông báo đánh giá phù hợp. Đề xuất xây dựng luật sẽ bị trả lại nếu các yêu cầu của RIA chưa đáp ứng đầy đủ. Giám sát việc thực hiện RIA được thực hiện một cách chặt chẽ bởi nó đảm bảo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, nhà làm luật một cách đầy đủ nhất các thông tin liên quan đến những vấn đề cần được điều chỉnh và điều đó đảm bảo cho chất lượng của một văn bản luật.

Qua kinh nghiệm của các nước về lợi ích mà RIA mang lại thì trong điều kiện hầu hết các mối quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng văn bản QPPL, RIA nên được áp dụng rộng rãi cho cả các văn bản dưới luật khác. Trong hệ thống văn bản QPPL, Nghị quyết, Quyết định và Chỉ thị do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành là những văn bản dưới luật, các văn bản này được ban hành để quyết định và thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi, đất đai, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, y tế, khoa học và công nghệ, trật tự an toàn xã hội…trên địa bàn tỉnh được quy định trong Luật Tổ chức HĐND, UBND. Mặc dù văn bản của HĐND và UBND ban hành có hiệu lực pháp lý thấp hơn, chỉ áp dụng trong phạm vi trên địa bàn của một địa phương nhưng những văn bản này vẫn chứa tiêu chí chung của văn bản QPPL là có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, do vậy chúng sẽ tác động trực tiếp lên các đối tượng trên địa bàn tỉnh, vì vậy việc đánh giá tác động của văn bản trong phạm vi lãnh thổ mà nó có hiệu lực thực sự là rất cần thiết. Văn bản của HĐND và UBND được ban hành trên cơ sở sự phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền được quy định trong các văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn. Thông thường những văn bản này quy định những vấn đề cụ thể, áp dụng với những đối tượng trong phạm vi địa phương nhất định, sự tác động của nó lên các đối tượng chịu sự điều chỉnh cũng như trạng thái quan hệ xã hội, tình hình kinh tế, trật tự, an toàn xã hội ở trong một lãnh thổ là khá rõ ràng, có thể xác định, điều này khác với Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết là những văn bản có hiệu lực pháp lý rộng hơn. Ví dụ, tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Chính phủ phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định mức bồi thường nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất. Để văn bản được ban hành đạt chất lượng và tiết kiệm chi phí nhất, các nhà làm luật ở địa phương nên thực hiện RIA. Vì quy định này sẽ tác động trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đang sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi trên địa bàn tỉnh nên khi đề xuất mức bồi thường và các phương án, nhà làm luật buộc phải đánh giá tình hình thực tế ở địa phương. Để đảm bảo tính hiệu quả của quy định, việc lựa chọn các giải pháp và dự đoán khả năng tác động của nó sẽ phụ thuộc vào đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, dân cư và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở địa phương. Việc đánh giá hiệu quả của văn bản sau khi ban hành cũng sẽ chính xác và thiết thực hơn thông qua việc khảo sát sự tuân thủ và mức độ hài lòng của các đối tượng bị điều chỉnh và sự thay đổi của các trạng thái quan hệ xã hội trên địa bàn, từ đó sẽ có những biện pháp mới để hoàn thiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản. Rõ ràng, RIA sẽ dễ thực hiện hơn ở phạm vi địa phương và kết quả mà nó mang lại cũng sẽ chính xác hơn, vì vậy sự lựa chọn các giải pháp để giải quyết vấn đề cũng sẽ khả thi hơn.

Dù là văn bản dưới luật, có hiệu lực pháp lý trong phạm vi lãnh thổ hẹp nhưng văn bản do HĐND, UBND ban hành là sự chi tiết hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của cơ quan nhà nước cấp trung ương, những văn bản này có nhiệm vụ điều chỉnh các quan hệ xã hội để làm ổn định tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân và là công cụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Do vậy, ngoài việc đặt trong mối quan hệ thống nhất với các văn bản pháp lý cao hơn, những văn bản này cần phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả nhất về các mặt kinh tế, giá trị pháp lý và khả năng tuân thủ. RIA là một trong những công cụ phù hợp nhất để đảm bảo cho những mục đích này, ngoài ra việc thực hiện RIA đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cũng sẽ góp phần đề cao vai trò pháp chế của các Sở, ngành địa phương trong quá trình xây dựng luật, nó cũng sẽ làm tăng cường khả năng phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, thẩm định và các cơ quan liên quan khác trong quá trình đề xuất, xây dựng và thực thi Nghị quyết, Quyết định và Chỉ thị ở địa phương.

Trần Thị Túy

Xem thêm »