Luật Biển Việt Nam - Căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở biển Đông

02/01/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Lịch sử đã chứng minh, biển, đảo luôn là vấn đề quan trọng tối mật của mỗi quốc gia. Vì nó không chỉ tiềm tàng lợi ích kinh tế khổng lồ, mà còn là “hàng rào” hữu hiệu nhất để bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại bang tấn công từ đường biển. Thời đại nào cũng thế, dân tộc nào cũng vậy, bảo vệ biển đảo luôn được đặt ra hàng đầu trong chiến lược phát triển xây dựng đất nước phồn thịnh. Bởi vậy, không chỉ các quốc gia có biển mới có nền kinh tế biển, mà ngay các quốc gia không có biển cũng có thể hình thành các lĩnh vực kinh tế biển của quốc gia mình bằng cách thông qua nhiều con đường tiếp cận khác nhau như: Áo, Thụy Sĩ, Slovakia thông qua sông Danube để tiếp cận biển Đen. Do tầm quan trọng đặc biệt của biển đến sự sống còn của các quốc gia, nên Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) hiện nay cho các quốc gia không giáp biển có quyền tiếp cận biển mà không phải trả thuế lưu thông qua quốc gia quá cảnh, đồng thời Liên Hợp quốc cũng có chương trình hỗ trợ các quốc gia đang phát triển không giáp biển.

Cũng như các vùng biển khác trên toàn thế giới, Biển Đông là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung. Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, bởi vậy, Biển Đông  được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai trên thế giới.

1. Sự cần thiết và mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam

Trên cơ sở các căn cứ và nguyên tắc pháp lý của Công ước Luật Biển năm 1982, các nước ven biển đều xây dựng cho mình các văn bản pháp lý về biển, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

Việt Nam là một trong 9 quốc gia nằm bao bọc biển Đông, có bờ biển dài trên 3.260 km[1]. Năm 1994, Việt Nam đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến trước ngày 21/06/2012, Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển mà chỉ mới có các quy định trong một số văn bản pháp quy liên quan. Biển Đông luôn có vị trí ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, trong phòng thủ bảo vệ tổ quốc và trong giải quyết mối quan hệ giữa các nước láng giềng.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Với việc thông qua Luật Biển, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

2. Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam

Ngày 23/06/1994, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc: Phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1992, trong đó nêu rõ: “Quốc hội giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam”[2].

Thực hiện tinh thần và nội dung của Nghị quyết của Quốc hội nêu trên, để đáp ứng nhu cầu của yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam đã được các Bộ, ngành hữu quan của Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng Dự thảo Luật Biển Việt Nam bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Dự thảo Luật Biển Việt Nam là một luật có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các Hiệp định về biển đã ký. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Biển Việt Nam, nước ta cũng đã tham khảo thực tiễn của các nước và cũng cân nhắc lợi ích của Việt nam, lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông và lợi ích chung của khu vực.

Dự thảo Luật Biển Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (tháng 12 năm 2011), tại kỳ họp này Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của Dự thảo Luật. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội hoàn thiện Luật Biển để trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp Quốc hôi thứ 3 khóa XIII. Tại phiên họp ngày 21/06/2012 của Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành 495/496 phiếu, đạt tỷ lệ 99,8%.

3. Những nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013, là Bộ luật đầy đủ quy định pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Luật Biển Việt Nam gồm có 07 chương và 55 Điều đề cập đến các nội dung chủ yếu sau: Các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý cụ thể:

Thứ nhất, Luật Biển tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật đã có trước đây (như Luật Biên giới quốc gia năm 2003).

Thứ hai, Luật Biển quy định về việc xác định đường cơ sở, phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (Điều 8 đến Điều 18).

Thứ ba, Luật Biển làm rõ thêm khái niệm về đảo, quần đảo, đá… phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc năm 1982 (UNCLOS) và bảo đảm quyền lợi biển của Việt Nam.

Thứ tư, Luật Biển dành hẳn một chương riêng (Chương IV) về phát triển kinh tế biển, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, công dân, các tổ chức trong và ngoài nước, trên cơ sở nguyên tắc phát triển kinh tế biển phải gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển.

Năm là, về vấn đề tranh chấp biển, đảo với một số nước láng giềng: Luật Biển Việt Nam quy định rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này.

4. Ý nghĩa của việc Quốc hội thông qua Luật Biển

Luật Biển ra đời là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của nước ta: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển”. Với việc thông qua Luật Biển lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Luật cũng xác định rõ nguyên tắc, chính sách quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung và nguyên tắc chính sách phát triển kinh tế biển của Việt Nam nói riêng. Đây là cơ sở pháp lý quan trong trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo của Việt Nam.

Việc thông qua Luật Biển đã làm cho các quy định của luật pháp Việt Nam hòa nhập hơn với các quy định của Luật Biển quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình và tăng cường hợp tác quốc tế về biển với các nước và tổ chức quốc tế.

Có thể khẳng định Luật Biển Việt Nam ra đời đã thực sự trở thành dấu ấn pháp lý của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”[3]./.

Việt Tiến

Tài Liệu Tham khảo:

1. Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013

2. Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc năm 1982

http://vea.gov.vn/vn/hoptacquocte/conguoc/Pages/C%C3%B4ng%C6%B0%E1%BB%9BcLHQv%E1%BB%81Lu%E1%BA%ADtBi%E1%BB%83n,1982.aspx

3. Nghị quyết của Quốc hội ngày 23/06/1994 V/v: Phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982

http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=10091

4. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982: Cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên Biển Đông

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/2679-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-1982-viet-nam-tren-bien-dong

5. Luật Biển Việt Nam năm 2012

6. Kỳ An: Luật Biển Việt Nam có những điểm gì đáng chú ý? http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/luatbienvietnamconhung-nd-10f79c31.aspx

9. Báo điện tử Chính phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Bo-truong-Ngoai-giao-Pham-Binh-Minh-tra-loi-phong-van-ve-Luat-Bien-Viet-Nam/20126/141637.vgp

7. Luật Biên giới Quốc gia năm 2003

8. Một số thông tin về địa lý Việt Nam - http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/dialy  

10. Tài liệu tập huấn Phổ biến kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo năm 2013 – Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo thuộc Tổng Cục Biển và hải đảo Việt Nam

[2]Nghị quyết của Quốc hội ngày 23/06/1994: Về việc phê chẩn công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982

http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=10091

[3] Thành Chung: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh – Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao trả lời phỏng vấn về Luật Biển Việt Nam

http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Bo-truong-Ngoai-giao-Pham-Binh-Minh-tra-loi-phong-van-ve-Luat-Bien-Viet-Nam/20126/141637.vgp

Xem thêm »