Những quy định mang tính công khai, minh bạch về thủ tục, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Luật Xử lý Vi phạm hành chính

28/01/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là một trong những vấn đề quan trọng đã được Luật XLVPHC quy định cụ thể. Việc quy định về trình tự các bước cũng như thủ tục khác mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải tiến hành thực hiện, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính (buộc đối tượng phải chấm dứt hành vi vi phạm) cho đến khi giải quyết xong vụ việc (cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt). Luật XLVPHC đã kế thừa những quy định của Pháp lệnh XLVPHC về thủ tục xử phạt, đồng thời cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay của thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính.

Các loại thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Được áp dụng trong trường hợp: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức.

Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Luật cũng quy định trường hợp ngoại lệ như vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Bản chất của thủ tục xử phạt không lập biên bản là vụ việc vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp, trong trường hợp này, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, trật tự quản lý được khôi phục ngay, không gây khó khăn, phiền hà cho người bị xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Nếu người vi phạm không thể nộp tiền phạt ngay tại chỗ (có thể không mang theo tiền hoặc không đủ số tiền phải nộp…) thì nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào số tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Thủ tục xử phạt có lập biên bản

Được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định có thể áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân từ 250.000 đồng trở lên và áp dụng mức phạt tiền đối với tổ chức từ 500.000 đồng trở lên, áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…

Trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện theo quy định của Luật XLVPHC từ khi vi phạm hành chính được phát hiện, lập biên bản đến việc xác minh các tình tiết làm căn cứ cho việc xử phạt, ra quyết định xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thực hiện.

Các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập biên bản, biên bản vi phạm hành chính tại Điều 58 cơ bản kế thừa quy định Điều 58 Pháp lệnh XLVPHC, đồng thời sửa đổi, bỏ sung quy định về nội dung của biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, so với Pháp lệnh, Luật có một số điểm mới như:

Về thẩm quyền lập biên bản: là người có thẩm quyền đang thi hành công vụ (bao gồm người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và người đang thi hành công vụ). Việc quy định rõ chức danh có thẩm quyền lập biên bản có ý nghĩa quan trọng để tránh sự lạm dụng, tùy tiện của các lực lượng chức năng khi tham gia xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước. Điều 4 Luật XLVPHC quy định giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền lập biên bản trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Luật XLVPHC bổ sung quy định trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó (Khoản 3 Điều 58).

Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

Đây là thủ tục bắt buộc thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt được thực hiện trước khi ra quyết định xử phạt nhằm bảo đảm tính chính xác, minh bạch, khách quan của quyết định xử phạt. Hoạt động này có thể thực hiện trước hoặc sau khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và có thể được thực hiện cùng với các trình tự, thủ tục xử phạt tiếp theo cho đến khi ra quyết định xử phạt. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh, theo đó Điều 59 Luật XLVPHC quy định khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh có hay không có vi phạm hành chính xảy ra trên thực tế, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;  các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định và việc giám định phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định. Quá trình xác minh phải được thực hiện bằng văn bản đảm bảo tính khách quan, tính chính xác của các tình tiết của vụ việc vi phạm (khoản 2 Điều 59).

Xác đinh giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt

Về thẩm quyền định giá: người có thẩm quyền tổ chức định giá là người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc.

Căn cứ và thứ tự ưu tiên áp dụng để xác định giá trị tang vật vi phạm, gồm:  Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có giá thông báo thì theo giá trị của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính; giá thành của tang vật nếu là hàng hóa chưa xuất bán. Đối với tang vật là hàng giả thì giá của tang vật đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.

Về trình tự, thủ tục định giá, Luật quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, thời hạn, thủ tục tạm giữ tang vật vi phạm để định giá. Việc tạm giữ tang vật vi phạm chỉ được thực hiện khi người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không áp dụng được các căn cứ nêu trên thì người có thẩm quyền phải thành lập Hội đồng định giá. Thủ tục tạm giữ tang vật vi phạm để định giá thực hiện theo thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (khoản 5, 9 Điều 125). Tuy nhiên, thời hạn tạm giữ tang vật để định giá bị hạn chế hơn rất nhiều so với trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo thủ tục hành chính nhằm bảo đảm quyền về tài sản của người dân. Bên cạnh đó, do việc tạm giữ tang vật vi phạm để định giá là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền xử phạt trong việc xem xét, ra quyết định xử phạt, khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC bổ sung quy định cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm chi trả mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm giữ gây ra.

Giải trình

Các trường hợp áp dụng thủ tục giải trình: được áp dụng đối với những vi phạm có tính chất nghiêm trọng theo quy định bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền xử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền đối với hành vi vi phạm lớn, từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

Các hình thức thực hiện quyền giải trình: Khoản 1 Điều 61 Luật XLVPHC quy định việc giải trình được thực hiện theo 2 hình thức, giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Thủ tục giải trình

Khoản 2, khoản 3 Điều 61 quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải có trách nhiệm gửi văn bản giải trình hoặc yêu cầu giải trình trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày đối với trường hợp giải trình bằng văn bản và không quá 02 ngày đối với trường hợp giải trình trực tiếp, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp.

Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính

Luật XLVPHC trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh đã quy định cụ thể 2 trường hợp thường xảy ra trong thực tiễn: trường hợp thứ nhất là cơ quan có thẩm quyền xử phạt chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 62) và trường hợp thứ hai là cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa ra xét xử nhưng sau đó lại có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, nếu vụ vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng tang vật, phương tiện để có quan có thẩm quyền xử phạt nghiên cứu, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 63).

Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Điều 65 Luật XLVPHC quy định các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 11 của Luật; không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; hết thời hiệu xử phạt; hết thời hạn ra quyết định xử phạt; cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời hạn xem xét ra quyết định xử phạt và trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

Trong các trường hợp nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tùy trường hợp cụ thể có thể ban hành các quyết định hành chính tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm thuộc loại cấm lưu hành hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 28 của Luật để bảo đảm an toàn, trật tự quản lý xã hội.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

So với Pháp lệnh thì Luật XLVPHC có một só điểm mới về thời hạn ra quyết định xử phạt:

- Thời hạn chung đối với tất cả các trường hợp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

- Thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày được áp dụng đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 61;

- Thời hạn tối đa là 60 ngày chỉ được áo dụng đối với các vụ việc vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và 3 Điều 61 của Luật XLVPHC mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.

Nội dung quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 68 cơ bản giống Pháp lệnh, tuy nhiên Luật bổ sung thêm quy định về thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt hoặc có thể nhiều hơn nhưng phải được ghi rõ trong quyết định thi hành.

Minh Nhất

Xem thêm »