Chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong BLHS và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong các văn bản này chưa quy định thật rõ ranh giới xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, nên trong thực tiễn nhận thức và áp dụng nhiều khi chưa thống nhất và thiếu chính xác.
Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm này là:
-Khách thể của tội phạm: Hoạt động quản lý xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức được thực hiện thông qua hoạt động của các nhân viên của các cơ quan, tổ chức đó. Khái niệm người thi hành công vụ nêu trong Điều luật trên bao gồm các nhân viên của các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được các cơ quan, tổ chức giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung.
Hành vi chống người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng và chống các hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự công cộng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người đang thi hành công vụ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ mà xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ công. Người đang thi hành công vụ nói tại Điều luật này rất đa dạng, có thể là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, cá biệt cũng có trường hợp là công dân bình thường, họ được điều động thực hiện một công vụ cấp bách nào đó vì lợi ích chung cũng được xem là người thi hành công vụ.
Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật và bị xâm hại thì hành vi của người có hành vi bị xâm hại không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thức nhiệm vụ thì không thuộc trường hợp thi hành công vụ. Do vậy, tội phạm này chỉ bảo vệ những người thực hiện nhiệm vụ công, còn trường hợp công chức thực hiện công việc vì lợi ích hoặc động cơ cá nhân thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội phạm này.
- Về mặt khách quan: Hành vi của người phạm tội phải thỏa mãn 1 trong 3 hành vi khách quan sau:
+ Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, như: đấm, đá, dùng cây đánh, dùng đất, đá ném,.. nhằm làm cho người thi hành công vụ bị đau đớn để không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe, nhưng chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỉ lệ thương tật qua giám định). Nếu hành vi dùng vũ lực lại gây ra thương tích (có tỉ lệ % qua giám định) hoặc gây ra cái chết cho người thi hành công vụ, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS hoặc tội giết người theo Điều 93 BLHS với tình tiết định khung hình phạt “Để cản trở người thi hành công vụ” hoặc “ giết người đang thi hành công vụ”. Như vậy, người có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ.
+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực, đó là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
+ Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan nêu trên là tội phạm đã hoàn thành. Nhiệm vụ có thể vẫn được thực hiện, mặc dù người thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, đường lối xử lý trong thực tiễn cho thấy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp do có hành vi chống người thi hành công vụ mà dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ bị gián đoạn hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
- Về chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
Như vậy, khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này thì người phạm tội sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng
Để hướng dẫn thi hành quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự,an toàn xã hội được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, ngày 12/7/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2010/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 73/2010/NĐ-CP), mà theo đó tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này quy định: “ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a. Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
b….”
Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (thay thế Luật Xử lý hành chính năm 2002), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, để kịp thời hướng dẫn thi hành những quy định mới của Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định trong đó có Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự,an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt Nghị định 167/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2013 và thay thế cho một số Nghị định có liên quan trong đó có Nghị định số 73/2010/NĐ-CP.
Tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định: “ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
b) …”
Cũng giống như quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ “ranh giới” phân biệt trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì được xem là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ. Hiện nay, các quy định có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi vi phạm này trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành rất chung chung, mang tính định tính là chính mà thiếu đi những quy định có tính định lượng cụ thể, nên trong thực tiễn rất khó áp dụng, chính vì vậy đã dẫn thực trạng đang tồn tại theo hai khuynh hướng sau:
Một là, do đây là tội phạm có cấu thành hình thức (không cần có hậu quả xảy ra), nên những người theo khuynh hướng này “nặng” về xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS, nghĩa là mọi trường hợp vi phạm bị phát hiện đều bị truy tố, xét xử mà không cần xem xét đến tính chất, mức độ lỗi vi phạm của họ đã đến mức xử lý hình sự chưa hay chỉ cần xử phạt hành chính cũng bảo đảm tính giáo dục, nghiêm minh của pháp luật.
Hai là, trái lại những người theo khuynh hướng này thì “thiên” về xử lý trách nhiệm hành chính nhiều hơn, điều này được minh chứng bằng thực tế ở nhiều địa phương lượng án xét xử của tòa án về tội phạm chống người thi hành công vụ là quá ít, trong khi đó ở nơi này nơi khác hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra rất đáng báo động.
Hai khuynh hướng này là biểu hiện của sự bất cập trong nhận thức, theo chúng tôi đều không tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Dấu hiệu mấu chốt để phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính là tính nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm bao giờ cũng có tính nguy hiểm cao hơn hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Để đánh giá chính xác tính nguy hiểm cho xã hội của một hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta phải xem xét một cách toàn diện từ các yếu tố khách quan, chủ quan cụ thể. Do sự khác nhau về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội nên dẫn đến khác nhau về đường lối xử lý, thẩm quyền giải quyết và hậu quả pháp lý. Tóm lại, việc phân biệt tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật hành chính là rất khó. Nhiệm vụ của những người làm công tác pháp luật là phải nhận thức đúng đắn bản chất của chúng để xác định đường lối xử lý phù hợp, tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi cụ thể, có như thế pháp luật mới phát huy được tác dụng của nó trong công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.
Dưới đây là hai vụ án, chúng tôi xin được trích dẫn để chứng minh cho sự bất cập trên:
Vụ án thứ nhất: Thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành về đợt cao điểm chống buôn lậu và phòng, chống các loại tội phạm khác trên địa bàn giữa đồn Biên phòng M với lực lượng công an, quân sự xã Y, huyện H (trên tuyến biên giới giáp Campuchia), khoảng 15 giờ ngày 06/11/2012, khi đang ở nhà thì Phạm Quốc Kh. nghe thấy có tiếng người la “bắt thuốc lá lậu” nên dùng xe mô tô chạy đến chỗ lực lượng tuần tra đang làm nhiệm vụ chống buôn lậu tại ấp 1, xã B, huyện H, đến nơi Kh. thấy lực lượng thi hành công vụ đã bắt được một số thuốc lá đang để ở lề đường và có một số người dân giật lại số thuốc lá lậu bị thu giữ. Kh. liền xông vào giật, xô đẩy và cản trở lực lượng đang làm nhiệm vụ nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhiều người khác giật lại số thuốc lá lậu bị bắt giữ, nhưng bị lực lượng đang làm nhiệm vụ đẩy ra. Không giật được thuốc lá, Kh. chạy đến hàng rào ven đường gần đó, cầm lấy 01 cành cây (dài 170 cm, đường kính đoạn lớn nhất 04 cm) xông vào đánh số thành viên của lực lượng tuần tra đang canh giữ số thuốc lá, nhưng bị lực lượng này tước cành cây, K. chạy đến nhà bà Lê Thị T. cách chừng hơn 3 mét, đập vỡ cái lu (vại) đựng nước mắm để ở trước nhà, dùng nước mắm tạt vào người Nguyễn Thành C. và ném các mảnh lu vỡ về phía lực lượng của Tổ tuần tra. Sau đó Kh. cầm cả phần đáy lu đã vỡ ném nhưng không trúng. Ngay sau đó, Kh. bị khống chế, bắt giữ và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Viện kiểm sát nhân dân huyện H đã truy tố Phạm Quốc Kh. về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS.
Vụ án thứ hai: Thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành mở đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm trên những địa bàn giáp ranh, vùng ven giữa các lực lượng công an, quân sự,… của các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh T., khoảng 21 giờ ngày 31/12/2013 Tổ tuần tra số 4 đang hoạt động trên Tỉnh lộ 876 phát hiện Trần Văn K. điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ và chở hàng hóa công kềnh có nguy cơ gây cản trở giao thông, qua kiểm tra phát hiện trong các bao hàng có 500 gói thuốc lá ngoại hiệu HERO, Trung úy Nguyễn Văn T., Thượng sĩ Đặng Thành H. (là cảnh sát giao thông – thuộc Đội Cảnh sát giao thông – Công an huyện B.) củng Đinh Thành V. công an viên, thuộc Công an xã L (tất cả đều là thành viên trong Tổ tuần tra) tiến hành lập biên bản vi phạm và thu giữ tang vật để xử lý, nhưng Trần Văn K. tỏ ra bất hợp tác, dùng lời nói có nội dung đe dọa lực lượng đang thi hành công vụ, không dừng lại đó, K. còn dùng đất, đá ném trúng vào người đồng chí V., nhưng không để lại thương tích gì, sau đó K. bỏ đi về nhà. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố Trần Văn K. về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS.
Ở cả hai vụ án trên, Phạm Quốc Kh., Trần Văn K. đều bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và xét xử theo khoản 1 Điều 257 BLHS, vì cho rằng tội phạm chống người thi hành công vụ hoàn thành từ khi người thực hiện nhiệm vụ công bị chống trả, hơn thế nữa nhằm phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương nên cần phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, nếu so sánh về tính chất của hành vi, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra cho xã hội mà Phạm Quốc Kh. và Trần Văn K. đã thực hiện là hoàn toàn khác nhau, cụ thể: Hành vi chống người thi hành công vụ của Phạm Quốc Kh. mang tính chất công khai giữa ban ngày, dùng hung khí chống trả quyết liệt lực lượng thi hành công vụ, trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân địa phương, mục đích của Kh. gây ra sự hỗn loạn nhằm tạo điều kiện cho nhiều người khác xông vào giật lại số thuốc lá lậu bị bắt giữ để tẩu tán, trong khi đó số thuốc lá lậu bị bắt giữ hoàn toàn không phải của Kh. bỏ tiền ra mua – bán kiếm lời. Sự nguy hiểm của hành vi mà Kh. thực hiện không chỉ xâm phạm đến hoạt động bình thường của lực lượng đang thi hành nhiệm vụ, thực thi chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, mà còn tạo ra “hợp lực” của những đối tượng xấu trên địa bàn sẳn sàng ứng cứu chi viện, hỗ trợ cho nhau tẩu tán tang vật nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ - đây là phương thức hoạt động, thủ đoạn đối phó với lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới thuộc địa bàn xã L, điều đó ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trị an, do vậy cần phải đấu tranh mạnh mẽ, ngăn chặn kịp thời thông qua việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với Phạm Quốc Kh. nhằm ổn định địa bàn, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tuyên truyền vận động người dân trên tuyến biên giới chung tay cùng tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Trong khi đó, hành vi trái pháp luật của Trần Văn K. không gây náo loạn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, không mang tính lôi kéo số đông người tham gia để gây khó khăn hơn việc thực thi nhiệm vụ của Tổ tuần tra; nếu như để ngăn chặn, khống chế, bắt giữ Phạm Quốc Kh. lực lượng thi hành công vụ vấp phải sự chống trả quyết liệt, trong khi đó Trần Văn K. khi “nhận thấy” sai phạm của mình đã tự động dừng lại, rồi bỏ đi về nhà. Hành vi của Trần Văn K. rõ ràng là trái pháp luật và phải chịu chế tài xử lý của pháp luật. Vấn đề đặt ra là vì sao cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính không áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để quyết định xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của Trần Văn K.?
Để quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người thực hiện hành vi chống người đang thi hành công vụ được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất nội dung này, có như vậy mới khắc phục được tình trạng hoặc quá nhấn mạnh đến vai trò của pháp luật hình sự hoặc quá giản đơn trong đánh giá tính chất, mức độ tác hại của hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến chủ yếu là xử phạt hành chính. Theo chúng tôi cần quy định rõ những trường hợp sau đây người thực hiện hành vi chống người đang thi hành công vụ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, nếu như không làm gián đoạn việc thực thi công vụ:
a-Gây rối trật tự hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn,… để cổ động, làm mất trật tự nơi lực lượng thi hành công vụ làm việc;
b-Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì vào lực lượng đang thi hành công vụ, nhưng không gây thương tích;
c-Dùng hung khí như: dao, búa, gậy gộc,… đe dọa lực lượng thi hành công vụ;
d-Giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người chống người thi hành công vụ tẩu tán vật chứng;
đ-Những hành vi khác.
Lê Văn Sua