Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chuẩn khen thưởng vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế.
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế bao gồm: Đại hội Thể thao Thế giới (Olympic Games), Đại hội Thể thao trẻ Thế giới (YOG), Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD), Đại hội Thể thao trẻ Châu Á (AYGS), Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á (ABG), Đại hội Thể thao võ thuật và trong nhà Châu Á (AIMAG), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao người khuyết tật Thế giới (Paralympic Games), Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á (ASIAN Para Games), Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) và các giải vô địch từng môn thể thao, giải vô địch trẻ từng môn thể thao Thế giới, Châu Á, Đông Nam Á.
Thông tư áp dụng đối với các vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao quốc gia người khuyết tật
Theo Thông tư, môn thể thao Olympic là môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao thế giới gần nhất diễn ra trước đó và liền kề giải thể thao quốc tế vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích. Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên: là huấn luyện viên được phân công trực tiếp huấn luyện, theo dõi, chỉ đạo các vận động viên thi đấu tại giải thể thao quốc tế.
Nguyên tắc khen thưởng và đề nghị khen thưởng
Theo đó, việc khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư số 21/2014/TT-BVHTTDL ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về công tác thi đua khen thưởng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các nguyên tắc sau:
Chú trọng khen thưởng các vận động viên, người trực tiếp tham gia thi đấu giành thành tích. Ưu tiên khen thưởng các vận động viên thuộc nhóm môn thể thao Olympic.
Việc đề nghị khen thưởng huấn luyện viên chỉ áp dụng đối với các huấn luyện viên trực tiếp tham gia huấn luyện vận động viên đạt thành tích xuất sắc. Trường hợp nhiều huấn luyện viên huấn luyện một vận động viên đạt thành tích xuất sắc, căn cứ theo mức độ đóng góp, Đội Thể thao, Đoàn Thể thao Việt Nam có trách nhiệm chọn và giới thiệu huấn luyện viên tiêu biểu để đề nghị khen thưởng.
Đối với các môn thi đấu tập thể, cần lựa chọn những vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp lớn đối với thành tích chung của tập thể khi đề nghị khen thưởng cấp nhà nước.
Đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong một năm thì xem xét thành tích cao nhất của vận động viên, huấn luyện viên đó để đề nghị khen thưởng cấp nhà nước.
Tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhất:
- Vận động viên đạt huy chương Vàng tại Olympic Games hoặc Paralympic Games.
- Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt huy chương Vàng tại Olympic Games.
Tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhì
- Vận động viên đạt một trong các tiêu chuẩn sau được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhì:
Đạt huy chương Bạc tại Olympic Games hoặc Paralympic Games;
Đạt 02 huy chương Vàng cá nhân tại một kỳ ASIAD của môn thể thao Olympic;
Đạt huy chương Vàng tại ASIAD và phá kỷ lục Đại hội;
Đạt 02 huy chương Vàng tại một kỳ ASIAN Para Games;
Đạt huy chương Vàng tại giải vô địch thế giới của môn thể thao Olympic.
- Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt một trong các thành tích sau được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhì:
Đạt huy chương Bạc tại Olympic Games;
Đạt huy chương Vàng tại Paralympic Games;
Đạt huy chương Vàng tại giải vô địch thế giới của môn thể thao Olympic;
Đạt 02 huy chương Vàng tại một kỳ ASIAD hoặc 03 huy chương vàng tại một kỳ ASIAN Para Games.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2015.