Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Trước đó, ngày 29/1/2015, Bộ Tư pháp có báo cáo về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số Bộ, địa phương ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và một số văn bản cần rà soát, xử lý theo quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2015.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản với theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp để kịp thời kiến nghị các biện pháp xử lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, quán triệt đối với cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quyền tự do kinh doanh đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp theo dõi việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nêu trên của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2015./.
Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 quy định chinh sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Chính sách trên được quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số.
Theo Nghị định, phụ nữ là người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) sẽ được hỗ trợ khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau:
1- Sinh một hoặc hai con; 2- Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 3- Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; 4- Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; 5- Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; 6- Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận; 7- Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); 8- Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống; 9- Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người DTTS chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Nghị định quy định đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận trực tiếp 2 triệu đồng/người bằng tiền mặt từ tháng đầu sau khi sinh con. Đối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2015.
H.Giang